Trước tình trạng đó, Nghị định số 202/2013/NÐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ đầu năm 2014 được đánh giá là cơ chế pháp lý đột phá để đưa hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón đi vào nền nếp, đặc biệt là việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành thời gian dài trên thị trường. Tuy nhiên, để rút ngắn khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống, cần sự hành động quyết liệt từ các cấp, các ngành.

Cơ chế đã bước đầu phát huy hiệu quả

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại “Hội thảo quốc gia về thực hiện Nghị định 202 của Chính phủ về quản lý phân bón và Phát triển nông nghiệp bền vững” mới đây, với các quy định của Nghị định 202, ngành sản xuất phân bón đã trở thành ngành sản xuất, kinh doanh có điều kiện thay vì việc thả nổi, để xảy ra không ít tình trạng lợi dụng buôn bán, kinh doanh phân bón giả và kém chất lượng.

Sự ra đời của Nghị định này đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện về sản xuất, điều kiện về kinh doanh và cả nhập khẩu, tạo sự quản lý thống nhất đối với mặt hàng có tính nhạy cảm, quan trọng trong bài toán an ninh lương thực và cuộc sống của 15 triệu hộ nông dân cả nước.

Cùng với đó, Nghị định số 163/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp tiếp tục tạo những chế tài mạnh mẽ hơn trong việc chống lại vi phạm sản xuất và cung ứng phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Theo Bộ Công Thương, nếu như năm 2013 được coi là đỉnh điểm của tình trạng phân bón giả hoành hành với 1.483 vụ vi phạm bị phát hiện (tăng 31% so với năm trước), hơn 1.000 tấn sản phẩm bị tịch thu, thì trong 4 tháng đầu năm 2014, số vụ vi phạm, lượng hàng hóa trái phép đã giảm còn khoảng 1/4.

Bên cạnh đó, cũng theo Bộ Công Thương, cân đối cung - cầu mặt hàng phân bón năm 2014 cũng đang ở trạng thái ổn định, các đơn vị sản xuất đạt khoảng trên 8 triệu tấn, đáp ứng khoảng trên 80% nhu cầu trong nước. Nguồn cung phân bón trên thị trường thế giới dồi dào, giá có xu hướng giảm. Trên cơ sở đó có đủ điều kiện để ổn định thị trường phân bón trong nước.

Song, vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những bất cập còn hiện hữu trong việc quản lý, cân đối cung - cầu thị trường phân bón hiện nay. Đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh, nhập lậu phân bón giả, phân bón kém chất lượng, “nhập nhằng” trong chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm gây thiệt hại cho nông dân.

Bên cạnh đó, theo Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể các quy định về điều kiện sản xuất phân bón và các loại phân bón phải công bố hợp quy, hợp chuẩn theo Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón.

Bên cạnh đó, bằng mắt thường khó thể nhận biết phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Trong khi máy móc thiết bị hỗ trợ nhận biết còn thiếu, chi phí mua mẫu kiểm tra cao, lực lượng quản lý thị trường còn mỏng dẫn tới nhiều hạn chế, khó khăn.

Vì vậy, “tuy đã có Nghị định 202, Nghị định 163, nhưng tình trạng vi phạm có giảm đi nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn. Con số gần 100 tấn hàng phân bón giả bị phát hiện, tịch thu riêng trong quý I/2014 vẫn là số lượng đáng kể”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nêu rõ.

Hơn nữa, lâu nay, việc kiểm tra, kiểm soát mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra điều kiện kinh doanh, nguồn gốc của phân bón nhập khẩu mà chưa chú trọng đi sâu vào kiểm tra chất lượng phân bón nhập khẩu trước khi đưa vào lưu thông, khiến chất lượng phân bón nhập khẩu bị thả nổi.

Tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu chậm nhất trong tháng 7/2014, liên Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải ban hành Thông tư triển khai Nghị định 202 của Chính phủ về phân bón.

Đồng thời, cần nhanh chóng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phân bón. Tiếp đó, triển khai quản lý phân bón là một ngành có điều kiện, kiện toàn hệ thống thanh tra, kiểm tra hai Bộ: Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; rà soát các quy định theo Nghị định 163/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón và hóa chất.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cần tăng cường xử phạt nghiêm minh với các cơ chế, chế tài minh bạch, có tính chất răn đe, thậm chí có thể rút giấy phép thành lập.

Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra trên địa bàn, kiến nghị các cơ chế, chế tài xử phạt hiệu quả.

Đồng thời, cần phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng phân bón; xem xét việc ban hành Danh mục phân bón an toàn, được phép sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng tới tận tay người dân; đầu tư, nâng cao công tác quản lý quy hoạch, tập trung vào chất lượng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “phân bón giả được phát hiện ở địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Để phân bón giả, kém chất lượng tràn lan như hiện nay là quá vô trách nhiệm với nông dân. Nếu chúng ta không quản lý được chất lượng phân bón là chúng ta có trách nhiệm lớn với người dân”.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các nhà khoa học tăng cường nghiên cứu, giới thiệu các sản phẩm phân bón chất lượng cao, an toàn. Nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp cùng nhau phối kết hợp hiệu quả để hướng dẫn bà con nông dân sử dụng phân bón chất lượng, không ham giá rẻ để tập trung cho sản xuất bền vững.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân phân biệt, sử dụng đúng chủng loại, chất lượng sản phẩm phân bón phù hợp, chung tay đẩy lùi những sản phẩm nhái, sản phẩm kém chất lượng, nhập lậu./.