Đây là chủ đề xuyên suốt của Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đặc sản vùng miền Việt Nam” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức vào sáng ngày hôm nay (27/11).

Tiềm năng chưa được khơi dậy hiệu quả

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, là một nước nông nghiệp truyền thống, Việt Nam có nhiều sản vật ở hầu hết các vùng miền, không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ ra thị trường thế giới với vị thế dẫn đầu.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam, từ năm 2008, nước ta đã có trên 40 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý quốc gia và trên 750 các mặt hàng đặc sản khác nhau. Thực tế, các mặt hàng đặc sản vùng miền đem lại thu nhập và việc làm cho trên 10 triệu lao động ở các vùng nông thôn của Việt Nam.

Trong đó, điển hình phải kể tới TP. Hồ Chí Minh – một thị trường “tuy không có đặc sản gì rõ nét”, nhưng lại là thị trường tiêu thụ lớn nhất của vùng Nam Bộ. Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đã xúc tiến hơn 800 hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị giao dịch trên 19 tỷ đồng/năm. Thông qua hoạt động kết nối cung - cầu, nhiều sản phẩm đặc sản của các tỉnh, thành, vùng miền đã được đưa vào hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn Thành phố.

Mặc dù tiềm năng cũng như nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn, nhưng việc phát triển các sản phẩm này hiện còn nhiều hạn chế. Rõ nét nhất là nhận thức và đánh giá về việc phát triển sản phẩm và thương hiệu đặc sản cho mỗi địa phương. Ngoài ra, bao bì và kiểu dáng của các sản phẩm cũng còn khá hạn chế. Đây cũng là một “điểm trừ” cho đặc sản của Việt Nam không chỉ cho thị trường nội địa mà còn của cả thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân làm hạn chế sự phát triển của các sản phẩm vùng miền là việc thiếu liên kết mang tính hệ thống trong quy trình bảo đảm chất lượng sản phẩm, thiếu sự đa dạng trong liên kết và phát triển sản phẩm. Đặc biệt là thiếu liên kết liên khu vực để xây dựng hệ thống cung ứng, phân phối tại thị trường trong nước cũng như quốc tế. Trong đó có vai trò rất quan trọng của các tổ chức xúc tiến thương mại.

“Chìa khóa” liên kết vùng cần được phát huy

Đứng trên góc độ vĩ mô, theo ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, việc cần làm hiện nay là cần có kế hoạch rõ ràng và dài hạn với mục tiêu cụ thể thay vì lập kế hoạch từng năm cho phát triển các đặc sản địa phương.

Muốn làm được điều đó, cần nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, cán bộ quản lý về quan điểm bảo tồn và phát triển hàng đặc sản. Quan trọng nhất là xác định quan điểm về chất lượng ngay từ đầu để xây dựng được bộ tiêu chuẩn chất lượng.

Ngoài ra, ông Lê Bá Ngọc cũng dẫn chứng nhiều bài học kinh nghiệm về nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm vùng, miền của Nhật Bản. Theo đó, Nhật Bản – một quốc gia tuy nghèo nàn về tài nguyên, nhưng lại có bước phát triển thần kỳ về các loại sản vật sạch, rất được rất ưa chuộng trên thế giới, như: nấm hương khô, rượu Shochu lúa mạch, chanh Kabosu...

Và, bí quyết của Nhật Bản để tạo nên “sản phẩm địa phương – chất lượng toàn cầu” đó là:

(1) Sử dụng các nguồn lực địa phương: nguyên vật liệu địa phương, con người địa phương, kỹ thuật truyền thống địa phương, sáng kiến địa phương;

(2) Chất lượng luôn hướng đến hoàn hảo với các nguồn lực địa phương sẵn có – Luôn cải tiến sản phẩm làm ra để có sản phẩm tốt nhất: Người sản xuất luôn tự hào về chất lượng sản phẩm làm ra (sản phẩm hôm nay tốt hơn hôm qua và không bằng ngày mai);

(3) Kiểm soát chất lượng toàn diện, từ khâu nguyên liệu đến người tiêu dùng. Các sản phẩm đều có chứng thực về chất lượng;

(4) Đa dạng hóa sản phẩm từ một loại nguyên liệu đầu vào;

(5) Tiết kiệm tối đa nguồn nguyên liệu đầu vào (hạn chế sử dụng tài nguyên);

(6) Luôn cải tiến và đề cao vai trò của đóng gói/bao bì sản phẩm.

Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội thị trường cho các sản phẩm đặc sản. Thiết lập và thúc đẩy hệ thống phân phối thông qua các trung tâm phân phối đặc sản vùng miền tại các thành phố lớn, các trung tâm du lịch... trên cơ sở liên kết các vùng miền.

Ở một khía cạnh khác, ông Lê Quốc Vinh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest cũng đưa ra đề xuất, cần xây dựng chợ đặc sản vùng miền. Đây là mô hình gần như kiểu chợ truyền thống, nhưng đổi mới trong phong cách phục vụ. Các ki-ốt trong chợ được phân chia theo chủng loại hàng hóa và vùng miền. Đặc biệt, chợ phải có kho chứa hiện đại, an toàn, giao hàng nhanh chóng, tin cậy và được quản lý chất lượng cao.

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú hy vọng thông qua Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản vùng miền thông qua liên kết vùng” sẽ tạo được sự thống nhất về nhận thức và tăng cường sự gắn kết giữa các địa phương, nhất là các đơn vị trong hệ thống xúc tiến thương mại. Từ đó, hình thành khuôn khổ và phương thức triển khai hiệu quả các định hướng và kế hoạch phát triển đặc sản vùng miền và chỉ dẫn địa lý tại các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - thương mại và bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống mang đặc trưng các vùng, miền trên cả nước./.

Tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin, Hội chợ đặc sản vùng miền 2015 do UBND TP. Hà Nội chỉ đạo khai mạc vào tối ngày 27/11/2015 và kéo dài đến hết ngày 01/12/2015 tại Khu đô thị Royal City, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Hội chợ đặc sản vùng miền Việt Nam 2015 có quy mô hơn 200 gian hàng, thu hút 150 doanh nghiệp đến từ 40 tỉnh, thành phố. Hội chợ giới thiệu các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam.