Nguy cơ kế hoạch 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội bị “đổ bể”

Chiến lược phát triển Nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đưa ra, đến năm 2020, cả nước cần khoảng 1 triệu căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng các dự án nhà ở xã hội trên toàn quốc vẫn rất khiêm tốn. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2014, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 102 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 38 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng 19.686 căn hộ; 64 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 20.277 căn hộ. Hiện nay, có 150 dự án đang được tiếp tục triển khai, trong đó có 91 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 55.830 căn hộ; 59 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng khoảng 66.753 căn hộ.

Với tỷ lệ căn hộ như trên, có thể thấy rằng, kế hoạch 1 triệu căn hộ dành cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đưa ra đang đứng trước nguy cơ “đổ bể”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tình trạng trên, có thể kể đến là: Lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội được tính khoảng 10%, trong khi đó, các doanh nghiệp không được tự quyết định giá bán, giá thuê nhà mà phải theo mức trần mà địa phương quy định khiến doanh nghiệp khó chủ động được chiến lược đầu tư. Do đó, các dự án nhà ở xã hội dần không còn “hấp dẫn”.

Các dự án nhà ở thương mại muốn chuyển sang nhà ở xã hội cũng không phải dễ dàng vì thủ tục này phải đi rất nhiều tầng nấc và qua nhiều cơ quan. Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội phải được cấp tỉnh thông qua, sau đó trình Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng có văn bản chuyển Ngân hàng Nhà nước, sau đó Ngân hàng Nhà nước có văn bản chuyển đến ngân hàng thương mại, thì mới xong thủ tục giải quyết cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số dự án nhà ở thương mại chuyển thành dự án nhà ở xã hội là do thị trường bất động sản bị khủng hoảng đóng băng, doanh nghiệp xin chuyển đổi để xử lý hàng tồn kho, nợ xấu và để giảm lỗ, cắt lỗ. Nay, thị trường bất động sản đang phục hồi nên khó tiếp tục thu hút doanh nghiệp chuyển dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội.

Về phía cá nhân mua nhà ở thương mại (có giá dưới 1,05 tỷ đồng/căn hộ) khó tiếp cận gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng do trước đây Bộ Xây dựng quy định phải chứng minh thu nhập và phải thuộc đối tượng người có thu nhập thấp đô thị. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã cho phép người thu nhập thấp không cần phải chứng minh thu nhập khi mua nhà ở thương mại, nhưng đối tượng mua nhà ở xã hội thì vẫn phải chứng minh thu nhập theo quy định của Nghị định 188/2013/NĐ-CP, ngày 20/11/2013 về phát triển nhà ở xã hội, nên người mua nhà vẫn khó tiếp cận nhà ở xã hội.

Giải pháp nào?

Cần sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 188/2013/NĐ-CP, ngày 20/11/2013 về phát triển nhà ở xã hội để thực hiện Luật Nhà ở 2014, nhất là cần xác định nguồn vốn tín dụng dài hạn, ổn định để thực hiện chương trình phát triển nhà ở xã hội. Đông thời, cần có cơ quan điều phối cấp quốc gia như mô hình “Tổng cục phát triển nhà ở xã hội” để quản lý và thực hiện hiệu quả chương trình này.

Gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng của Chính phủ vẫn rất khó tiếp cận

Bên cạnh đó, theo Nghị định 188, đối tượng mua nhà ở xã hội vẫn phải chứng minh thu nhập, điều này chưa hợp lý. Đề nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước cho phép đối tượng mua nhà ở xã hội cũng không phải chứng minh thu nhập. Vì trên thực tế, khi mua nhà ở xã hội, thì người mua đã dùng chính căn hộ này để thế chấp cho hợp đồng mua căn nhà này. Và, dự án nhà ở xã hội hình thành trong tương lai khi chủ đầu tư bán cho người tiêu dùng vẫn phải thực hiện bảo lãnh ngân hàng theo Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản.

Để tăng nhanh nguồn cung nhà ở cho người thu nhập thấp, cũng cần có sự thay đổi về phương thức đầu tư nhà ở xã hội hiện nay, ví dụ như có thể áp dụng theo cơ chế thị trường, cho phép doanh nghiệp làm dự án, rồi tính toán để ra mức giá phù hợp cho cả khách hàng và doanh nghiệp thay vì bắt doanh nghiệp phải tính chi phí theo công thức. Đồng thời, Nhà nước sẽ xóa bỏ các ưu đãi cho chủ đầu tư hiện nay mà chỉ tập trung hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà. Do vậy, doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư dự án nhà ở xã hội cũng giống như nhà ở thương mại, nhưng phải dành tỷ lệ từ 20%-50% tùy theo từng dự án để xây nhà ở giá rẻ. Có như vậy, các dự án nhà ở xã hội mới hấp dẫn doanh nghiệp và người nghèo mới có cơ hội sở hữu nhà giá thấp.

Ngoài ra, có nhiều quan điểm cho rằng, thời gian tới cơ quan quản lý nên định hướng làm nhà ở thương mại giá rẻ cho thuê hoặc mua trả góp. Nhà nước chỉ quản lý quy hoạch, còn thị trường sẽ tự cạnh tranh về giá cả. Mọi khoản tài chính, Nhà nước đều tập trung vào quỹ phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên cho vay lãi suất cực thấp thông qua khoản bù lãi suất ví dụ khoảng 0,5%-1% cho người có thu nhập thấp trả góp trong 20 năm.../.

Tổng hợp từ:

1. Khánh Linh (2015). Nhà ở xã hội giá rẻ: Dân chờ dài cổ, doanh nghiệp ngó lơ, truy cập từ laodong.com.vn/tien-te-va-dau-tu/nha-o-xa-hoi-gia-re-dan-cho-dai-co-doanh-nghiep-ngo-lo-395786.bld

2. V. Vũ (2015). Doanh nghiệp “chê” nhà ở xã hội, truy cập từ http://www.nguoitieudung.com.vn/doanh-nghiep-che-nha-o-xa-hoi-d36222.html