Đóng cửa phiên cuối tuần, giá cà phê arabica giao tháng 3 trên sàn ICE Futures US tăng 0,70 cent/lb tức tăng 0,6% đạt mức 119,00 cent/lb; tính cả tuần giảm 2,10 cent/lb tức giảm 1,7%.

Trong khi đó, giá cà phê robusta giao tháng 1 trên sàn ICE Futures Europe tăng 5 USD/tấn tức tăng 0,3% đạt mức 1.487 USD/tấn; tính cản tuần giảm 10 USD/tấn tức giảm 0,7%.

Thị trường cà phê arabica tương lai vẫn duy trì xu thế giảm giá dài hạn – Nguồn: Barchart

Trong thời gian cuối năm, trước thời điểm Giáng Sinh và tết dương lịch, sức bán trên các thị trường cà phê có thể gia tăng do nhà đầu tư tận dụng thời gian trước kỳ nghỉ lễ kéo dài để thanh khoản các vị thế và kết toán sổ sách tài chính cuối năm, đồng thời xem xét cân đối tài chính và hoạch định chiến lược đa dạng hóa các danh mục đầu tư cho năm 2016.Sau khi thị trường cà phê đóng cửa cuối tuần qua, đồng BRL đã giảm giá mạnh do Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff cho biết sẽ bổ nhiệm Bộ trưởng Kế hoạch Nelson Barbosa thay thế ông Levy làm Bộ trưởng Tài chính Brazil. Đồng BRL giảm giá sẽ khuyến khích hoạt động xuất khẩu cà phê từ quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, qua đó, khiến giá cà phê kỳ hạn tại New York giảm giá.

Cũng tại Brazil, trong báo cáo tháng 12/2015, CONAB đã tăng 2,59% ước tính sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2015/16 lên mức 43,24 triệu bao, trong đó gồm 32,05 triệu bao cà phê arabica và 11,19 triệu bao cà phê robusta. Số liệu CONAB hiện nay thực sự thấp hơn nhiều so với nhiều ước tính khác, đặc biệt đối với số liệu cà phê robusta. Theo truyền thống thì số liệu CONAB thường thấp hơn mức thực tế 10%, trong khi nhiều tổ chức khác ước tính khoảng 48 triệu bao.

Tại Mỹ, USDA điều chỉnh tăng dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2015/16. Theo báo cáo thương mại và các thị trường cà phê thế giới tháng 12/2015, Bộ Nông nghiệp Mỹ điều chỉnh dự báo sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2015/16 tăng 600.000 bao so với niên vụ trước lên mức 150,1 triệu bao do sản lượng cà phê đạt mức kỷ lục tại Indonesia và Honduras, đồng thời sản lượng cà phê phục hồi tại Việt Nam có thể bù lại sản lượng giảm tại Brazil. Xuất khẩu và tiêu thụ cà phê toàn cầu dự báo đạt số liệu kỷ lục, tồn kho cuối niên vụ giảm xuống 36,7 triệu bao.

Sản lượng cà phê robusta của Brazil trong niên vụ 2015/16 dự báo giảm 3,7 triệu bao xuống mức 13,3 triệu bao. Năng suất cà phê robusta giảm do lượng mưa dưới mức trung bình và nhiệt độ trên mức trung bình tại bang Espirito Santo, nơi phần lớn diện tích trồng cà phê robusta. Sản lượng cà phê arabica của Brazil dự báo giảm 1,2 triệu bao xuống mức 36,1 triệu bao do năng suất giảm do ảnh hưởng điều kiện thời tiết khô hạn tại các bang Minas Gerais và Sao Paulo, hai vùng chiếu khoảng 80% tổng sản lượng cà phê toàn Brazil. Tổng hợp sản lượng cà phê arabica và robusta cho biết dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2015/16 giảm 4,9 triệu bao đạt 49,4 triệu bao. Do nguồn cung giảm, xuất khẩu cà phê của Brazil trong niên vụ 2015/16 kỳ vọng giảm 3,1 triệu bao xuống 30,0 triệu bao và tồn kho cà phê cuối niên vụ dự báo giảm 4,2 triệu bao xuống 5,2 triệu bao.

Sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2015/16 dự báo tăng 1,9 triệu bao lên 29,3 triệu bao do năng suất tăng tại hầu hết các vùng trồng cà phê. Trong giai đoạn từ tháng 1 – tháng 3/2015, các vùng trồng cà phê chính tại Tây Nguyên trải qua thời tiết khô và nắng, điều kiện thời tiết bình thường đối với giai đoạn này và các vựa cà phê đã được tưới tiêu. Dù mùa khô kéo dài sang tháng 4 trong suốt giai đoạn cà phê ra hoa, quá trình tưới tiêu cà phê duy trì cho đến khi mưa đến bình thường trong giai đoạn phát triển hạt từ tháng 3 đến tháng 7. Dù người nông dân phản ứng với tình trạng giá cà phê thấp trong năm ngoái bằng cách hạn chế bán và dự trữ cà phê, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong niên vụ hiện tại dự báo tăng 6,3 triệu bao lên 26,7 triệu bao, khiến tồn kho cuối vụ sẽ giảm 1,6 triệu bao xuống mức 4,2 triệu bao.

Sản lượng cà phê Colombia niên vụ 2015/16 được USD dự báo tăng nhẹ lên mức 13,4 triệu bao nhờ chương trình tái canh giống cà phê có sức kháng bệnh nấm gỉ sét lá được triển khai trong vài năm qua cùng với điều kiện thời tiết bình thường giúp duy trì sản lượng cà phê đạt mức cao. Dịch nấm gỉ sét lá ban đầu ảnh hưởng khoảng 40% diện tích trồng cà phê nhưng kể từ khi chương trình tái canh này được thực hiện thì đã giảm xuống dưới 5%. Chương trình tái canh cà phê mạnh mẽ này đã thay thế khoảng 70% tổng diện tích cà phê được trồng. Xuất khẩu cà phê niên vụ 2015/16 của Colombia dự báo tăng 150.000 bao lên mức 11,5 triệu bao do xuất khẩu cà phê sang Mỹ và Châu Âu kỳ vọng tăng. USDA cũng dự báo Colombia nhập khẩu cà phê từ Ecuador và Peru cho nhu cầu tiêu thụ khoảng 10%, giảm từ mức gần 90% cách đây vài năm.

Sản lượng cà phê niên vụ 2015/16 của Indonesia dự báo tăng 1,8% đạt mức kỷ lục 10,6 triệu bao, nhờ sản lượng cà phê robusta phục hồi do điều kiện thời tiết thuận lợi trong giai đoạn cà phê ra hoa. Tuy nhiên giai đoạn này theo sau là thời kỳ lượng mưa dưới mức trung bình khiến cho năng suất cà phê arabica (ra hoa muộn hơn) giảm nhẹ với dự báo sản lượng cà phê arabica giảm 100.000 bao xuống mức 1,3 triệu bao. Xuất khẩu cà phê trong niên vụ hiện tại của Indonesia dự báo phục hồi 400.000 bao lên 5,5 triệu bao do xuất khẩu sang EU tăng trong khi xuất khẩu cà phê hòa tan kỳ vọng tăng 700.000 bao lên 2,6 triệu bao chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ mạnh từ Philippines.

Sản lượng cà phê niên vụ 2015/16 của Ấn Độ dự báo giảm 100.000 bao xuống 5,3 triệu bao do năng suất cà phê giảm nhẹ tại Karnataka, bang sản lượng cà phê lớn nhất Ấn Độ. Tuy nhiên, tồn kho cà phê chuyển vụ tăng kỳ vọng cung cấp đủ nguồn cung cà phê cho các nhà xuất khẩu, từ đó xuất khẩu cà phê trong niên vụ hiện tại của Ấn Độ dự báo tăng 300.000 bao lên mức 3,5 triệu bao.

Về nhập khẩu cà phê, EU chiếm gần một nửa nhập khẩu cà phê thế giới với dự báo tăng 400.000 vao lên mức kỷ lục 45,5 triệu bao trong niên vụ 2015/16. Năm ngoái, nhóm các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho EU gồm Brazil (33%), Việt Nam (23%) và Honduras (6%). Tồn kho cà phê cuối niên vụ của EU dự báo duy trì không đổi ở mức 12,5 triệu bao.

Mỹ là nước nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, dự báo nhập khẩu cà phê niên vụ 2015/16 của Mỹ tăng 500.000 bao lên mức 24,0 triệu bao do tiêu thụ cà phê tăng. Trong năm ngoái, nhóm các nhà cung cấp cà phê hàng đầu cho Mỹ gồm Brazil (30%), Colombia (21%) và Việt Nam (13%). Tồn kho cà phê cuối niên vụ của Mỹ dự báo gần như không thay đổi ở mức 6,1 triệu bao.

Cũng trong báo cáo tháng 12/2015, USDA điều chỉnh ước tính sản lượng cà phê thế giới trong niên vụ 2014/15 tăng 3,2 triệu bao so với ước tính hồi tháng 6 lên mức 149,5 triệu bao. Sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2014/15 được điều chỉnh tăng 3,1 triệu bao lên 54,3 triệu bao chủ yếu do năng suất cà phê arabica tại bang Minas Gerais tăng cao hơn kỳ vọng.

Sản lượng cà phê Colombia niên vụ 2014/15 được điều chỉnh tăng 800.000 bao lên 13,3 triệu bao do sản lượng cà phê vụ thứ hai trong năm tăng đáng kể so với vụ cà phê chính. Sản lượng cà phê Việt Nam được điều chỉnh giảm 800.000 bao xuống 27,4 triệu bao do năng suất cà phê giảm do chiệu ảnh hưởng thời tiết khô hạn tại các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông và Gia Lai.

Trong niên vụ 2014/15, xuất khẩu cà phê thế giới được USDA điều chỉnh giảm 3,8 triệu bao xuống 101,1 triệu bao. Xuất khẩu cà phê Việt Nam điều chỉnh giảm 4,7 triệu bao xuống 20,3 triệu bao do giá cà phê giảm không khuyến khích người nông dân bán cà phê theo các kênh xuất khẩu. Xuất khẩu cà phê của Brazil tăng gần 600.000 bao lên mức 33,1 triệu bao do nguồn cung cà phê cho xuất khẩu tăng.

Tồn kho cà phê thế giới cuối niên vụ 2014/15 được điều chỉnh tăng 9,0 triệu bao lên 42,5 triệu bao. Tồn kho cà phê cuối niên vụ của Brazil được điều chỉnh tăng 3,6 triệu bao lên 9,4 triệu bao do sản lượng cà phê tăng trong khi tổn kho cà phê cuối niên vụ của Việt Nam được điều chỉnh tăng 3,4 triệu bao lên 5,8 triệu bao do xuất khẩu cà phê giảm.