Thị trường mở rộng song còn rào cản

Xuất khẩu rau quả của nước ta liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, nếu như năm 2012, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt kim ngạch 826 triệu USD thì đến năm 2014 tăng lên 1,5 tỷ USD và năm 2015 đạt con số ấn tượng lên tới 2,2 tỷ USD.

Đến nay, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 10 thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.

Ngoài những thị trường truyền thống, năm 2015 là năm đánh dấu hiệu quả trong công tác mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm trái cây sang các thị trường mới, đặc biệt, nhiều loại trái cây, như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận nhiều thị trường khó tính, góp phần giúp xuất khẩu rau qua trong thời gian qua tăng trưởng liên tục.

Cây vài đã từng bước xâm nhập được vào một số thị trường khó tính

Năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường Mỹ hơn 3 tấn vải, trên 100 tấn nhãn. Đối với Nhật Bản, ngoài hơn 1.200 tấn thanh long, trên 10,6 tấn xoài Việt Nam cũng được xuất khẩu sang thị trường này. Australia đã chính thức đồng ý cho phép nhập khẩu quả vải tươi và đã có 16 lô vải tươi với trên 28 tấn đã được đưa sang thị trường này.

Ngoài ra, New Zealand cũng đã phái chuyên gia sang kiểm tra vùng trồng chôm chôm tại Việt Nam và xây dựng điều kiện và cấp giấy phép nhập khẩu cho mặt hàng này. Hàn Quốc đồng ý mở rộng vùng trồng xoài xuất khẩu ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn của Việt Nam thì việc nhiều thị trường khó tính chấp nhận nhiều mặt hàng rau, quả của ta được coi như một tín hiệu đáng mừng để dần thoát khỏi tình trạng phụ thuộc.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 - đơn vị phụ trách chứng nhận an toàn trái cây xuất khẩu vào thị trường khó tính - thuộc Cục Bảo vệ Thực vật, thị trường khó tính là những nước có nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm và dịch hại. Muốn xuất khẩu hoa quả vào đây phải đảm bảo 2 vấn đề. Một là đảm bảo không có dịch hại, nước nhập hàng không muốn hoa quả nhập khẩu mang theo dịch bệnh lạ vào phá hoại tài nguyên của nước họ. Hai là điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm (Ngọc Ánh, 2015).

Tuy nhiên, ngành rau quả Việt Nam đang gặp phải là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và chất kích thích tăng trưởng trên rau, quả vẫn còn phổ biến đã ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm. Thực trạng trên dẫn tới chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (ruồi đục quả, dư lượng thuốc sâu, hàm lượng kim loại nặng, chất lượng bao bì…) còn hạn chế. Đây là rào cản lớn nhất nhất đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam (chủ yếu là rau quả tươi) trong tiếp cận thị trường… Công tác kiểm soát, phòng trừ sâu hại theo các tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP chưa được áp dụng rộng rãi.

Đảm bảo nguyên tắc “4 đúng” để đẩy mạnh xuất khẩu

Từ sản phẩm thứ yếu, vươn lên chiếm vị trí cao trong kim ngạch xuất khẩu nông sản, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn. Do đó, trong thời gian tới để đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường, cũng như kiểm soát tốt dịch bệnh, nâng cao kim ngạch xuất khẩu rau quả, nhiều chuyên gia cho rằng, phải “chuẩn” từ khâu tổ chức sản xuất với việc hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thực sự cần thiết. Trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, an toàn và hợp lý, Cục Bảo vệ thực vật đã đúc kết và đề ra nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách) để hướng dẫn nông dân sử dụng.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 12/01, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết, đối với các thị trường tiềm năng, Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo sát sao các đơn vị kiểm dịch thực vật kiểm tra chặt chẽ các lô hàng xuất khẩu, đặc biệt các mặt hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường phát triển, như: thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài. Năm 2016, Cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền về kiểm dịch thực vật trong nước cũng như các nước bạn để thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản của Việt Nam, đặc biệt là rau và trái cây.

Ngoài ra, Cục cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian làm thủ tục, tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy nhanh tiến độ phân tích nguy cơ dịch hại đối với xoài và vú sữa xuất khẩu vào thị trường Mỹ; thúc đẩy việc xuất khẩu vú sữa, nhãn, vải và chôm chôm sang Hàn Quốc; Bên cạnh đó, Cục sẽ cung cấp hồ sơ kỹ thuật đối với 5 loại quả tươi phục vụ mở cửa thị trường Đài Loan (Trung Quốc), cũng như tăng cường tháo gỡ để xuất khẩu trở lại thanh long sang thị trường này. Các mặt hàng rau gia vị đã xuất khẩu trở lại EU sau thời gian tạm ngừng sẽ được tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng./.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2016). Hội nghị Tổng kết công tác năm 2015 và triển khai kế hoạch công tác năm 2016 của Cục Bảo vệ thực vật, ngày 12/01, tại Hà Nội

2. Phương Nguyên (2015). Xuất khẩu nông sản: Thời của rau quả, truy cập từ http://www.kinhtenongthon.com.vn/Xuat-khau-nong-san-Thoi-cua-rau-qua-106-55751.html

3. Ngọc Ánh (2015). Muốn giá cao phải sang Úc, Mỹ, Nhật, truy cập từ http://nld.com.vn/kinh-te/muon-gia-cao-phai-sang-uc-my-nhat-20150504214011677.htm