Thông tin trên được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực (EVN) và cơ quan quản lý đưa ra tại buổi họp báo công bố giá thành sản xuất điện của Tập đoàn năm 2014 được Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 02/02.

Cụ thể, theo Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Đinh Thế Phúc xác nhận, EVN chưa báo cáo cơ quan điều hành về việc rà soát chi phí đầu vào để làm cơ sở điều chỉnh giá.

Theo ông Phúc, sở dĩ doanh nghiệp bán điện thấp hơn giá thành vì Thủ tướng mới là người quyết định giá bán lẻ. Do đó, dù EVN muốn tăng cũng không được.

Liên quan đến dự thảo quyết định về cơ cấu giá bán lẻ mà cơ quan này đang lấy ý kiến, vị Cục phó cho hay nội dung đề xuất điều chỉnh giá bán điện 3 tháng một lần là để bắt nhịp hơn với tín hiệu thị trường. "Điều này cũng phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng là để giá điện tiệm cận giá thị trường. Song tất cả vẫn đang là dự thảo", ông Phúc nói thêm.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cho biết, doanh thu bán điện của Tập đoàn đạt hơn 197.000 tỷ đồng (tương ứng giá bán thương phẩm bình quân thực hiện là 1.532,55 đồng một kWh).

Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến hoạt động ngoài sản xuất, kinh doanh điện trong năm này của doanh nghiệp là 1.698 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực mang về hơn 1.153 tỷ đồng.

Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất, kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến điện năm 2014 của EVN là 823,83 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của kiểm toán, đến hết năm 2014, doanh nghiệp vẫn còn gần 5.000 tỷ, lỗ tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành điện. Đơn cử phần chi phí này của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia là 1.682 tỷ, Tổng công ty Phát điện 1 hơn 641 tỷ đồng, Tổng công ty Phát điện 3 là 811 tỷ, Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng là 392 tỷ và Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh là 1.260 tỷ đồng.

Về chi phí, Kiểm toán cho hay sản lượng điện thương phẩm thực hiện trong năm này là 128,63 tỷ kWh. Tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện trong năm này là 198.000 tỷ đồng (thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh). Từ đó, kiểm toán cho rằng giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2014 là 1.539 đồng một kWh.

Tổng chi phí ở khâu phát điện là 152.920 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện thương phẩm là 1.188,86 đồng một kWh. Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 10.520 tỷ đồng, tương ứng với giá thành ở khâu này là 81,79 đồng một kWh.

Dù Tập đoàn báo lãi trong năm tài chính này là 823,83 tỷ đồng, song Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định, phần lớn là được bù đắp từ hoạt động ngoài ngành là chính. “Khoản lợi nhuận thu được từ hoạt động ngoài sản xuất, kinh doanh điện xấp xỉ 1.700 tỷ, đến từ tiền bán thiết bị ở một số công ty cổ phần, công ty tư vấn hay tiền lãi gửi ngân hàng ở công ty tài chính, chứ nếu rạch ròi thì hoạt động sản xuất, mua bán điện là lỗ, bởi giá bán chưa đáp ứng được chi phí”, ông Tri nói.

Lãnh đạo EVN cho biết thêm, đến nay, Tập đoàn chưa có kế hoạch đề xuất tăng giá bán điện vì phụ tải đang thấp, cơ cấu nguồn phát cũng có lợi với nguồn điện giá rẻ (thủy điện) đang được huy động. Tương tự, trong tháng 2, nhiều khả năng chưa phải chạy dầu (điện giá cao). “Tuy nhiên, đến mùa hè thì chưa rõ, nên cũng không thể nói trước”, ông Tri lưu ý.

Nhận định về khoản lãi 823,83 tỷ đồng là “rất thấp” nếu so trên vốn điều lệ lên đến 160.000 tỷ đồng, song vị này vẫn khẳng định “không muốn tăng giá điện”.

“Mỗi lẫn tăng giá, bản thân EVN cũng rất mệt mỏi. Là bên bán nhưng chúng tôi mong muốn giá điện ổn định, cả đầu vào và đầu ra, là tốt nhất”, Phó Tổng giám đốc bày tỏ./.