Cụ thể: Bộ Công Thương vừa ban hành Định hướng Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017, với mục tiêu nhằm hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội đem lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Theo đó, đối với Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị chủ trì nghiên cứu, đề xuất, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi trong đó chú trọng các hoạt động nhằm khai thác, mở rộng các thị trường Việt Nam đã ký và đang đàm phán FTA.

Các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia năm 2017 và các năm tiếp theo cần gắn với mục tiêu phát triển xuất khẩu theo hướng tăng trưởng bền vững, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường khu vực, bảo đảm vừa mở rộng quy mô xuất khẩu vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu; phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11%-12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.

Đối với công tác xúc tiến xuất khẩu, Bộ Công Thương đưa ra yêu cầu đối với từng thị trường, khu vực. Có thể thấy, hầu hết các thị trường được nêu ra đều chú trọng vào các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản...

Cụ thể tại thị trường Đông Nam Á, Bộ này đề nghị đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường: Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và các thị trường còn nhiều tiềm năng xuất khẩu là: Lào, Campuchia, Myanmar, với các nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao; tiếp tục đẩy mạnh và duy trì xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam, như: gạo, thực phẩm, rau quả, cà phê, ca cao, sản phẩm cao su, thủy sản.

Thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc...) tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như: hàng dệt may, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép các loại, hàng rau quả, cao su, sắn và các sản phẩm từ sắn, sắt thép các loại, sản phẩm từ cao su, hạt tiêu....

Đối với Hoa Kỳ, các mặt hàng xuất khẩu trọng điểm, như: hàng dệt may, giày dép các loại, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, túi xách, ví,vali, mũ, ô, dù, hạt điều, cà phê, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm từ chất dẻo, giấy và các sản phẩm từ giấy, hàng rau quả, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, gạo, chè…

Đối với việc phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương đề ra mục tiêu điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường trong nước, xây dựng cơ sở dữ liệu các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, nghiên cứu phát triển hệ thống phân phối giúp các doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng đối với những mặt hàng thiết yếu; quy mô và năng lực cung ứng. Ngoài ra, việc định hướng triển khai các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước có trọng tâm, trọng điểm là cần thiết./.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2015 đã hỗ trợ 8.850 lượt doanh nghiệp, 14.499 gian hàng tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước, thu hút trên 3 triệu lượt khách tham quan, mua sắm và ký kết được nhiều hợp đồng kinh tế có tổng trị giá trên 858 triệu USD và khoảng 637,8 tỷ đồng.