Từ thực trạng...

Trái với xu thế ảm đạm của năm 2015, đầu năm 2016 mặt hàng gạo đang trở nên “có giá”, xuất khẩu gạo đã có sự bứt phá mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 01/2016 ước đạt 495.000 tấn với giá trị đạt 218 triệu USD, tăng 56,7% về khối lượng và tăng 46% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Sở dĩ lượng xuất khẩu tăng mạnh là do thị trường Philippines, Indonesia tăng cường nhập khẩu do đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán nên cần mua gạo dự trữ.

Về thị trường châu Á, châu Phi và châu Mỹ vẫn là 3 khu vực thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam. Xuất khẩu gạo sang châu Á chiếm gần 75% trong năm 2015. Châu Phi là khu vực thị trường lớn thứ 2, chủ yếu nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam. Châu Mỹ là thị trường lớn thứ 3 tương đối ổn định với Cuba chiếm thị phần lớn nhất. Mỹ, Mexico, Haiti đã có sự phát triển thị phần đáng kể trong những năm gần đây.

Xu hướng xuất khẩu gạo tăng mạnh trong tháng đầu năm 2016 cũng đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo từ cuối tháng 12/2015. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, cuối năm vẫn còn khoảng 500.000-600.000 tấn gạo cần giao cho các hợp đồng tập trung và 200.000 tấn hợp đồng thương mại mà các doanh nghiệp đã ký kết trong quý I. Đặc biệt, ông Năng cũng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2016 sẽ khá tốt do các quốc gia nhập khẩu lớn, như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Malaysia sẽ sớm ký hợp đồng nhập gạo để ổn định nguồn cung lương thực trong nước (Trần Mạnh, 2016).

Tuy nhiên, cũng theo VFA, thời gian tới, sản xuất lúa gạo của nước ta sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. Trong nước, sản xuất lúa gạo phải chịu tác động xấu của tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất cả nước) ảnh hưởng ít nhiều đến sản lượng mùa vụ 2015-2016. Trên thị trường quốc tế, hạt gạo Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các nước xuất khẩu lớn, như: Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan và cả những nước mới nổi, như: Campuchia, Myanmar. Cạnh tranh diễn ra không chỉ về giá xuất khẩu mà còn ở chất lượng, thương hiệu. Do đó, lợi thế cạnh tranh về giá của Việt Nam đã không còn như các năm trước.

Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2016 chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần của thị trường này (phần lớn là xuất khẩu tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro). Vì vậy, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ phải mở rộng ra thị trường mới, như: châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy nhiên, các thị trường này sử dụng gạo cao cấp, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 27% gạo chất lượng cao.

Đề cập tới chất lượng giống lúa, nhiều chuyên gia cho rằng, lý do cố hữu lâu nay khiến gạo Việt lép vế trên thị trường là do chưa có thương hiệu. Thực tế, điểm yếu nhất của gạo Việt Nam là thiếu đồng đều về chất lượng, chủ yếu phân chia theo tỷ lệ tấm, thông dụng 5%, 15%, 25%. Gạo Việt Nam có lợi thế trên thị trường chủ yếu gạo trắng, hạt dài, nhưng không có tên giống. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam lâu nay chủ yếu tới các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh.

Hơn nữa, dù nhu cầu thị trường rất lớn nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm được thông tin và nhu cầu khách hàng. Như tại tỉnh Long An, là địa phương xuất khẩu gạo đứng đầu cả nước, nhưng doanh nghiệp tại Tỉnh vẫn gặp một số khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Quốc và châu Phi. Cụ thể: Trung Quốc là thị trường lớn nhưng diễn biến phức tạp về chính trị, chính sách mua tạm trữ, phí cấp quota… nên ảnh hưởng đến giá mua gạo. Doanh nghiệp cần thông tin kịp thời để ký hợp đồng không bị thiệt (Phan Thu, 2016).

... đến bàn giải pháp

Với những khó khăn trên, theo các chuyên gia để giữ và mở rộng được thị trường xuất khẩu gạo cao cấp thì việc nâng chất lượng hạt gạo từ hạt giống, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại... là những yếu tố rất quan trọng.

Trước thực trạng trên, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII Bộ trưởng Cao Đức Phát Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định: Bộ đã chỉ đạo nghiên cứu tuyển chọn giống lúa để sản xuất ra gạo thương phẩm có giá trị cao, đạt được 600-800 USD/tấn trở lên; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy phạm liên quan đến lúa gạo, như: quy trình canh tác lúa tiên tiến phù hợp theo GAP, quy trình công nghệ sau thu hoạch (sấy, chế biến, bảo quản lúa gạo) quy mô công nghiệp... nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Đồng thời, Bộ cũng đang tích cực chỉ đạo triển khai Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó chú trọng xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu, quy trình kỹ thuật sản xuất, chế biến và kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng và phát triển bền vững, bảo đảm uy tín thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Trong công tác xúc tiến thương mại cho mặt hàng xuất khẩu gạo, tại Hội nghị bàn giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu gạo năm 2016 và các năm tới diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 220/2/2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Gạo là mặt hàng ưu tiên trong cơ cấu hàng xuất khẩu nên các Thương vụ, cơ quan xúc tiến thương mại cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ quan tâm thực hiện cam kết hội nhập, thị trường đã mở; phối hợp với hiệp hội, doanh nghiệp nâng cao chất lượng xuất khẩu gạo, đảm bảo bền vững vùng nguyên liệu; đảm bảo cơ chế tín dụng liên kết với vùng nguyên liệu cũng như hoàn thiện cơ cấu nông nghiệp. Bên cạnh đó, để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016 và những năm tới, VFA cần nâng cao hơn nữa vai trò trong việc làm đầu mối kết nối thông tin cho Tham tán thương mại. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng như lên kế hoạch xây dựng thương hiệu gạo./.

Tham khảo từ các nguồn:

1. Trần Mạnh (2016). Xuất khẩu gạo khởi sắc đầu năm 2016, truy cập từ http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160108/xuat-khau-gao-khoi-sac-dau-nam-2016/1034644.html

2. Chính phủ (2016). Giải pháp nâng cao thương hiệu gạo Việt, truy cập từ http://baochinhphu.vn/Tra-loi-cong-dan/Giai-phap-nang-cao-thuong-hieu-gao-Viet/247563.vgp

3. Phan Thu (2016). Xuất khẩu gạo đang mất dần thị trường, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Xuat-khau-gao-dang-mat-dan-thi-truong.aspx