Sau một thời gian áp dụng nhiều biện pháp quản lý như đăng ký giá, kê khai giá không phát huy tác dụng, ngày 20/05/2014, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-BTC về áp trần giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi. Sau đó, cuối quý II/2015, chính sách này được bổ sung, sửa đổi theo Quyết định 857/QĐ-BTC cũng của Bộ này để kéo dài việc áp giá trần đến hết ngày 31/12/2016.

Đây được xem là biện pháp kích thích tiêu dùng, mang nguồn sữa đến gần hơn với người dân.

Tuy nhiên, thông tin đáng chú ý trong “Sách trắng” năm 2016 của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam được công bố ngày 02/03/2016, một những khuyến nghị được nhấn mạnh trong “Sách Trắng” năm 2016 chính là việc Tiểu ban Thực phẩm Dinh dưỡng của EuroCham cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam giảm bớt, tiến tới chấm dứt các can thiệp hành chính vào hoạt động của thị trường.

Theo đó, việc Chính phủ đưa ra các quy định can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là một lời cảnh báo đáng lo ngại về một môi trường đầu tư chưa thực sự ổn định, thân thiện và hội nhập của Việt Nam, đồng thời đi ngược lại với chủ trương hoàn thiện nền kinh tế thị trường của Chính phủ.

Tiểu ban này dẫn chứng xu hướng tăng giá nhẹ của các sản phẩm sữa thuộc phân khúc bình dân kể từ khi biện pháp bình ổn giá được áp dụng cho thấy chính sách này đã không mang lại tác động giảm giá sản phẩm sữa để hỗ trợ người tiêu dùng có thu nhập thấp như tính toán trước đó của cơ quan quản lý.

Cũng ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, trong buổi họp báo về công bố ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (VEFTA) ngày 09/12/2015, Đại sứ Bruno Angelet, trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường do mới chỉ đạt 1/5 yếu tố. Trong các yếu tố chưa đạt, một điểm “kém” nhất là Việt Nam là vẫn có sự can thiệp của nhà nước làm biến dạng hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp. Trong các yếu tố chưa đạt này, có cả chính sách áp đặt trần giá cho sản phẩm sữa bột cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Trong khi đó, dẫn lời Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thẩm định Giá Việt Nam (VVA) Nguyễn Tiến Thỏa trên Tiền phong Online cũng cho rằng, áp dụng quản lý giá trần trong giá sữa chỉ được coi như là một biện pháp “cấp bách” khi thị trường có biến động bất thường để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Khi thị trường hoạt động bình thường thì phải gỡ bỏ biện pháp để cho thị trường tự điều tiết theo quy luật. “Tôi nghĩ đã đến lúc cần gỡ bỏ biện pháp áp trần giá sữa để tránh những hệ lụy không tích cực cho đầu tư, cho sản xuất, kinh doanh”, ông Thỏa nói.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tài chính năm 2016 tổ chức ngày 31/12/2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cũng đã yêu cầu ngành tài chính cần phải thực hiện theo cơ chế thị trường đối với mặt hàng sữa. Áp giá trần cho sản phẩm sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ có khả năng sớm bị bãi bỏ trong thời gian tới.

Cụ thể, theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, vừa qua, VN đã ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước nên không thể dùng các biện pháp hành chính để áp đặt lên thị trường. “Mong muốn của cơ quan quản lý là thì trường phải bình ổn. Song muốn thực hiện được điều này thì phải nâng cao trình độ của cán bộ và quản lý bằng các giải pháp kinh tế”, ông nói.

Cũng tại Hội nghị trên của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng, hết năm 2016, quyết định áp giá trần đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ hết hiệu lực.

“Từ bây giờ, cơ quan quản lý giá cũng phải tính đến các biện pháp kinh tế để quản lý giá mặt hàng này sao cho đảm bảo nguyên tắc là thực hiện theo cơ chế thị trường”, người đứng đầu ngành Tài chính cho biết.

Theo một số chuyên gia kinh tế của Việt Nam và đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian đầu, việc áp dụng chính sách trần giá với một số sản phẩm liên quan đến sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em có thể là cần thiết, nhưng không nên duy trì lâu.

Trao đổi với báo giới, ông Cao Sĩ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bày tỏ quan điểm: “Sự can thiệp đó cũng phải gỡ bỏ dần một khi đã xác định được các tiêu chí rõ ràng nhất định và thị trường đã có nguồn cung dồi dào. Thực sự thì Việt Nam không nên áp dụng biện pháp này mãi”.

Theo TS. Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thì việc kiểm soát giá sữa với trẻ em thời gian qua cũng có những khó khăn khiến Chính phủ lúng túng nhất định trong đề ra chính sách. Theo TS. Trần Du Lịch, biện pháp này là “không công bằng với các công ty có qui mô khác nhau trong nước” nên theo ông, các bộ, ngành chức năng của nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp khác./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/tran-gia-sua-se-som-bi-huy-bo-20160302064255434.htm

http://www.tienphong.vn/Kinh-Te/lo-viet-nam-tut-hau-canh-tranh-voi-lang-gieng-976219.tpo