Liên tục nhiều lô hàng bị phát hiện vi phạm

Mấy năm qua, rau quả tươi xuất sang EU, như: ớt, rau húng, quế, thanh long… thường xuyên bị cảnh báo về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Thậm chí, có thời điểm EU đưa ra cảnh báo sẽ cấm toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam nếu phát hiện đủ 5 lô hàng không đảm bảo. Điều này đã khiến cơ quan quản lý Nhà nước phải áp dụng phương án tạm dừng xuất khẩu để chấn chỉnh.

Điển hình, như: trong năm 2014, tính từ ngày 01/02/2014 đến đầu tháng 10/2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng của Ủy ban châu Âu EC đã được các nước thành viên EU thông báo 3 lần liên tiếp về việc 3 chuyến hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng trên cây húng quế và mướp đắng. Do đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải ra quyết định tạm dừng cấp phép kiểm dịch thực vật đối với một số mặt hàng rau thơm, rau gia vị xuất khẩu sang EU đến ngày 01/02/2015. Trước đó, giữa năm 2012, Cục Bảo vệ thực vật cũng từng tạm dừng cấp phép kiểm dịch xuất khẩu 5 loại rau gia vị vì lý do tương tự.

Mới đây, do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên sản phẩm, phía EU cũng đã tăng tần suất kiểm tra mặt hàng thanh long của Việt Nam lên 20%. Đối với một số mặt hàng rau gia vị, như: rau mùi, ớt ngọt, húng quế, húng bạc hà, cần tây, đậu bắp, tần suất kiểm tra được tăng lên 50%.

Mướp đắng Việt Nam từng bị phát hiện có vi khuẩn gây hại đến sức khỏe khi xuất khẩu sang EU

Tình trạng một số mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu vào EU thường xuyên bị cảnh báo về mặt chất lượng, các chuyên gia cho rằng, do EU là thị trường xuất khẩu lớn với những yêu cầu, tiêu chuẩn cao. Trong khi đó, quá trình sản xuất, đặc biệt là bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông sản nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng của Việt Nam còn nhiều bất cập. Hệ thống sản xuất vẫn tương đối manh mún, khó kiểm soát, chưa đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới trình trạng trên là bởi các doanh nghiệp thiếu chủ động, trung thực. Trên thực tế, khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khó tính, sản phẩm phải đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt, như: phải chiếu xạ hay khử trùng... Nếu làm đầy đủ tất cả các yêu cầu đặt ra thì doanh nghiệp sẽ bị đội chi phí, gây tổn thất, nên một bộ phận doanh nghiệp có tâm lý lách được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Cũng theo các chuyên gia, mặc dù, các loại rau gia vị bị EU cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua chiếm kim ngạch xuất khẩu không lớn trong tổng số kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung, tuy nhiên nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn, lâu dài có thể gây ra những hậu quả khó lường. Đó là làm giảm uy tín, tạo ấn tượng xấu đối với sản phẩm rau quả xuất khẩu không chỉ ở thị trường EU mà cả các thị trường khác.

Tăng cường sản xuất theo GAP

Để giải quyết tình trạng một số loại rau quả, đặc biệt là rau gia vị xuất khẩu sang EU thường xuyên bị cảnh báo vì chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép, Việt Nam cần đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất bài bản, đồng bộ từ khâu đầu tới khâu cuối, đặc biệt là nhấn mạnh vào khâu xử lý sau thu hoạch được coi là giải pháp trọng tâm.

Liên quan tới vấn đề này, Chuyên gia rau quả, ông Đào Thế Anh cho rằng, muốn đảm bảo sự phát triển bền vững ngành rau quả, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, mấu chốt là phải chủ động kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm trước khi xuất khẩu, rau quả phải được tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, chứ không phải là chờ đợi phía “bạn” cảnh báo thì phía “ta” mới bắt đầu xử lý (HQ, 2016).

Trên thực tế, hiện nay sản xuất rau quả của Việt Nam áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap đã làm tương đối tốt ở khâu gieo trồng, sản xuất, song công tác xử lý sau thu hoạch chưa ổn. Vì vậy, khi đầu tư sản xuất theo chuỗi, tăng cường đầu tư, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khâu xử lý sau thu hoạch là điều rất quan trọng. Muốn làm tốt khâu này, chi phí bỏ ra tương đối lớn, riêng bản thân doanh nghiệp khó “gánh” nổi. Do vậy, về lâu dài, doanh nghiệp rất cần sự chung tay, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cả về chủ trương lẫn tài chính.

Về thị trường EU, ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương cho biết, EU có thói quen “đánh” toàn ngành hàng chứ không căn cứ vào “danh tính” doanh nghiệp vi phạm. Do vậy, các cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ kiểm tra các lô hàng xuất khẩu đi, đồng thời xây dựng danh sách những doanh nghiệp “rơi” vào vòng kiểm soát để hạn chế hoặc xem xét kỹ chất lượng, tránh ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp nói chung (Phan Thu, 2014).

Bên cạnh đó, việc dừng xuất khẩu các lô hàng cần có sự thống nhất của các bộ ngành, đồng thời cũng có sự tính toán để có bước đi ổn định khi xuất khẩu vào EU. Nếu chạm đến “ngưỡng” bị cảnh báo nhiều quá thì chúng ta phải tự động dừng xuất khẩu để kiểm tra. Việc tạm ngừng xuất khẩu sẽ đỡ hơn nhiều so với với việc bị cấm xuất khẩu, khi đó Việt Nam sẽ phải xin phép xuất khẩu lại, rất mất thời gian./.

Tài liệu tham khảo:

1. Phan Thu (2014). Xuất khẩu rau quả sang EU: Việt Nam không thể yêu cầu sự ưu đãi đặc biệt, truy cập từ http://www.baohaiquan.vn/Pages/Xuat-khau-rau-qua-sang-EU-Viet-Nam-khong-the-yeu-cau-su-uu-dai-dac-biet.aspx

2. HQ (2016). Cảnh báo xuất khẩu rau quả sang EU: Đến hẹn lại lên?, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/canh-bao-xuat-khau-rau-qua-sang-eu-den-hen-lai-len.html