Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 3 ước tính đạt 14,20 tỷ USD, tăng 40,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,05 tỷ USD, tăng 56,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,15 tỷ USD, tăng 35,2%.

Tính chung quý I năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 37,9 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 0,3%; khu vực có vốn FDI (kể cả dầu thô) đạt 27,1 tỷ USD, tăng 5,8%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I đạt 39,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I, với 7,9 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU với kim ngạch 7,5 tỷ USD, tăng 9,3%. Thị trường Trung Quốc ước tính đạt 3,9 tỷ USD, tăng 8,2%; Hàn Quốc đạt 2,4 tỷ USD, tăng 31,5%. Riêng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN và Nhật Bản giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó ASEAN đạt 4,2 tỷ USD, giảm 9,9%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, giảm 0,4%.

Nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 năm nay ước tính đạt 14,10 tỷ USD, tăng 37% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 5,65 tỷ USD, tăng 47,5%; khu vực có vốn FDI đạt 8,45 tỷ USD, tăng 30,8%. Như vậy tính chung tháng 3, cả nước xuất siêu 100 triệu USD.

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu quý I ước tính đạt 37,1 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,9 tỷ USD, giảm 3,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 22,2 tỷ USD, giảm 5,7%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I năm nay đạt 40,7 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong quý I năm nay ngoài thị trường Hàn Quốc, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu từ hầu hết các thị trường lớn đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong quý I với 10,4 tỷ USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ thị trường ASEAN đạt 5,4 tỷ USD, giảm 5,8%. Nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 3,3 tỷ USD, giảm 8,8%; EU đạt 2,2 tỷ USD, giảm 14,5%. Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc ước tính đạt 6,7 tỷ USD, tăng 2,1%, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Nhập siêu dịch vụ đạt 810 triệu USD

Trong lần công bố này, Tổng cục Thống kê tách riêng cán cân đối thương mại dịch vụ và cán cân đối thương mại hàng hóa.

Theo đó, xuất khẩu dịch vụ quý I năm nay ước tính đạt 2,92 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 2,02 tỷ USD, chiếm 69,2% tổng kim ngạch và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu dịch vụ quý I ước tính đạt 3,73 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu dịch vụ vận tải đạt 2,02 tỷ USD, chiếm 54% kim ngạch và giảm 0,7%.

Với kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu cùng tính theo giá FOB (loại trừ 2,02 tỷ USD dịch vụ vận tải được tính vào nhập khẩu dịch vụ) thì cân đối thương mại hàng hóa và dịch vụ quý I năm nay xuất siêu khoảng 1,98 tỷ USD, trong đó hàng hóa xuất siêu 2,79 tỷ USD, dịch vụ nhập siêu 810 triệu tỷ USD./.