Cụ thể, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính của CPI, có 8 nhóm mặt hàng tăng mạnh nhất là giá dịch vụ giao thông tăng 1,73%, giá hàng hóa nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,71%, giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,45%, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,37%, giá đồ uống và thuốc lá tăng 0,17%...

Giá xăng tăng đẩy nhóm giá dịch vụ giao thông trong rổ CPI tháng 4 tăng 1,73%

2 nhóm hàng có giá cả ổn định là giá hàng hóa dịch vụ ăn uống và Bưu chính, viễn thông. Còn giá dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch lại giảm nhẹ 0,01%.

Trong giỏ hàng hóa dịch vụ ăn uống, đáng chú ý là nhóm lương thực tăng 1,11%, theo lý giải của Tổng cục Thống kê là do trong tháng các thương lái thu gom lúa gạo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký, bên cạnh đó tác động của khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên cùng xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã đẩy giá lúa gạo trên thị trường tăng.

Giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình trong tháng 4/2016 cũng tăng nhẹ do giá gạo tăng. Giá suất cơm bình dân tăng 0,13% và dịch vụ uống ngoài gia đình tăng 0,05%.

Đáng chú ý là giá dịch vụ giao thông tăng cao vì do trong tháng 04/2016 giá xăng tăng 1.190 đồng/lít, dầu diezezen tăng 290 đồng/lít vào các ngày 21/03/2016 và ngày 5/4/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 3,83% so với tháng trước góp phần tăng CPI chung khoảng 0,16%.

Giá dịch vụ y tế tháng 04/2016 tiếp tục tăng so với tháng 03/2016 do giá dịch vụ y tế tăng 0,47% do một số tỉnh trong tháng này mới điều chỉnh tăng theo Thông tư mới về tăng phí dịch vụ y tế của Bộ Y tế và Bộ Tài Chính. Trước đó, trong tháng 03/2016 dịch vụ y tế và giáo dục là hai nhóm hàng có mức giá tăng mạnh nhất, cụ thể nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với mức tăng 24,34%; giáo dục tăng 0,66%.

Về hai mặt hàng giữ giá trong tháng 04/2016 nằm ở giá dịch vụ hàng ăn, theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân làm CPI nhóm này chững chủ yếu ở giá thực phẩm tươi sống giảm bởi giá các mặt hàng này vẫn đang trong chu kỳ trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên Đán nên chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 0,27%./.