Đây là nhận định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và Thách thức” do Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/05/2016.

“Miền đất hứa” của các nhà bán lẻ ngoại

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh thời gian qua. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng bình quân khoảng 14%/năm giai đoạn 2011-2015. Thị trường bán lẻ ở các thành phố, các đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình, thương mại bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ.

Với dân số đông trên 91 triệu người, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.890 USD năm 2015, cơ cấu dân số vàng, đô thị hóa tăng nhanh cùng với tầng lớp trung lưu ngày càng đông, tăng trưởng GDP vào hàng cao trên thế giới... dự báo thị trường bán lẻ Việt Nam đang có nhiều điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển năng động trong thời gian tới.

Tuy nhiên, thị trường tiềm năng cũng sẽ là “miếng mồi béo bở” của các doanh nghiệp nước ngoài. Theo TS. Ngô Tuấn Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bắt đầu từ năm 2015, lĩnh vực bán lẻ đã trở thành tâm điểm khi hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn đã thành công, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chẳng hạn như: Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% của Citimart; Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) với giá trị khoảng 879 triệu USD; Lotte (Hàn Quốc) nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần…

Và gần đây nhất là Tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn 1 tỷ USD.

“Như vậy, doanh nghiệp Việt Nam đã mất dần thị trường nội địa khi không cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn của nước ngoài. Dự báo, sự lấn chiếm này sẽ còn mạnh mẽ và ồ ạt nữa trong thời gian tới", TS. Tuấn Anh khẳng định.

Toàn cảnh Hội thảo

“Chờ” cứu hay “tự” cứu?

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội nêu ra một số lý do khiến doanh nghiệp bị lép vế trước các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, đó là giá cả cao, hệ thống phân phối và quy hoạch ngành còn nhiều bất cập.

Theo đó, ông Phú cho biết, chúng ta cần có hội nghị Diên Hồng về vấn đề này, bởi hiện dư địa hỗ trợ không còn nữa rồi, nếu không cạnh tranh thì doanh nghiệp phải chấp nhận phá sản.

“Tôi cho là rất vô lý khi nước đến chân rồi vẫn còn đi bộ, điều đó khiến chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà. Tôi cũng mong muốn sự cạnh tranh để người tiêu dùng hưởng lợi và doanh nghiệp phải tăng năng lực cạnh tranh lên", ông Phú chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, TS. Ngô Tuấn Anh cũng chỉ ra một loạt các yếu kém của doanh nghiệp Việt, như: thiếu tính chuyên nghiệp, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, vẫn còn tâm lý làm ăn chộp giật, mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản…

Theo đó, ông Tuấn Anh cho rằng, với sự xâm lấn mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ lớn của thế giới, như: Nhật, Pháp, Mỹ và Thái Lan... nếu doanh nghiệp Việt Nam không nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, thì nhanh chóng sẽ bị đẩy khỏi thị trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, thì sự vào cuộc của các cơ quan nhà nước là điều vô cùng cần thiết. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho hay, trong kế hoạch tiếp tục phát triển hàng Việt Nam mà Thủ tướng đã phê duyệt, có hẳn một chương trình giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng bản đồ mạng lưới phân phối 63 tỉnh thành.

“Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp với tái cơ cấu ngành, lĩnh vực”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng với đó, ông Tuấn Anh cho biết, Nhà nước cũng sẽ tập trung phát triển mạnh một số ngành sản xuất ưu tiên và công nghiệp hỗ trợ để cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển một số ngành có khả năng lan tỏa nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các ngành khác cùng phát triển./.