Theo đó, Lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa hai doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ trong ngành hàng không được diễn ra vào lúc 11h40 tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet và Ông Ray Conner, Tổng giám đốc Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing đã thực hiện ký kết hợp đồng quan trọng này trước sự chứng kiến của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obam cùng đoàn lãnh đạo cấp cao của hai nước.

Lễ ký kết giữa Vietjet Air và Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ) dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 quốc gia Việt Nam và Mỹ

Cụ thể: Hãng hàng không Vietjet Air đã ký hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 Max 200, trị giá 11,3 tỷ USD của Tập đoàn chế tạo máy bay Boeing (Mỹ).

Trên thị trường tàu bay thân hẹp, B737 MAX 200 là dòng tàu bay có tích hợp động cơ CFM International LEAP-1B tiên tiến nhất, hệ thống cánh nhỏ với công nghệ cao cùng nhiều cải tiến mang lại hiệu quả và độ tin cậy cao nhất, cũng như sự thoải mái cho hành khách. Dòng tàu bay thân hẹp này có khả năng tiết kiệm 20% tiêu hao nhiên liệu so với dòng tàu bay Next-Generation 737 đời đầu tiên.

Số tàu bay được ký kết ngày hôm nay dự kiến sẽ được giao hàng từ năm 2019 đến năm 2023 nhằm phục vụ kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác của Hãng hàng không Vietjet đối với mạng đường bay trong nước và đến các nước trong khu vực. Như vậy, cùng với số lượng máy bay được ký kết mua trong hợp đồng lần này, tới cuối năm 2023, đội tàu bay của Vietjet sẽ có tới hơn 200 tàu bay mới và hiện đại nhất trên thế giới.

Cũng trong ngày hôm nay (23/05), Tập đoàn General Electric (GE) và Bộ Công Thương Việt Nam đã ký kết ghi nhớ thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Lễ ký kết năm trong chương trình hợp tác thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương và GE thực hiện nghi thức ký kết hợp tác

Theo đó, mục tiêu chung của cả hai bên là phát triển tối thiểu 1.000 MW điện từ các dự án điện gió mới cho tới năm 2025. Ước tính, sản lượng điện này đủ để cung cấp cho 1,8 triệu hộ dân Việt Nam.

Theo thỏa thuận ký kết, GE sẽ tận dụng kinh nghiệm phát triển điện gió toàn cầu và làm việc với các đối tác địa phương để xác định các dự án tiềm năng. Hơn nữa, thỏa thuận này cũng sẽ hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia thông qua việc nội địa hóa sản xuất các thiết bị và linh kiện của tua-bin gió tại nhà máy GE Hải Phòng cũng như hợp tác với các nhà cung cấp nội địa khác.

Sự đa dạng về địa lý cùng khả năng phát triển điện gió, cộng thêm tài nguyên thủy điện rộng khắp đất nước, Việt Nam sẽ có lợi thế lớn trong việc sử dụng điện gió với chi phí thấp. Việc tận dụng nguồn năng lượng gió sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự linh hoạt và an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai khi nhu cầu năng lượng phát sinh từ sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ngày càng tăng.

Là một trong những doanh nghiệp sở hữu danh mục năng lượng tái tạo sâu rộng nhất trong ngành công nghiệp, với tổng công suất lắp đặt lớn nhất thế giới lên tới 370GW, GE đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tại tỉnh Bạc Liêu. GE đã cung cấp 62 tuabin gió, với tổng công suất trên 99MW điện. Giai đoạn I của dự án đã hòa lưới điện quốc gia vào tháng 6/2013

Năm 2009, GE tăng cường đầu tư bằng việc thành lập nhà máy sản xuất linh kiện tua-bin gió tại Hải Phòng. Nhà máy đã tạo ra hơn 600 việc làm cho người dân địa phương và xuất khẩu hàng nghìn máy phát điện cùng linh kiện tua-bin gió nhằm góp phần vào các giải pháp năng lượng toàn cầu./.

Theo Tổng cục Hải quan, trong vòng 10 năm, tính từ 2006 đến tháng 04/2016, kim ngạch xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt tới con số hơn 232 tỷ USD. Xuất siêu với Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam cân bằng cán cân thương mại quốc tế, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc nhập siêu “khổng lồ” với Trung Quốc. Thời gian tới, xuất - nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục. Cơ hội đang thênh thang hơn bao giờ hết khi cả hai nước cùng là thành viên của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết vào ngày 04/02/2016.