Xuất khẩu gỗ sang Mỹ đang đối mặt với những rủi ro

2 điều kiện để hưởng ưu đãi thuế trong TPP

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 04 tháng đầu năm 2016 đạt 2,15 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ là 01 trong 03 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 03 tháng đầu năm 2016.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết dự báo sẽ mang nhiều cơ hội đến ngành xuất khẩu gỗ Việt Nam.

Bên cạnh việc mở rộng thị trường, khi tham gia TPP, quan hệ thương mại nội khối sẽ thuận lợi hơn, thu hút vốn đầu tư của các quốc gia trong ngành gỗ sẽ mạnh hơn.

Hơn nữa, các doanh nghiệp trong ngành gỗ dễ dàng tiếp cận được công nghệ mới, quản trị mới của các quốc gia tiên tiến, chất lượng hàng hóa theo đó sẽ cao hơn. Đặc biệt, mặt hàng gỗ xuất khẩu vào thị trường TPP sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế suất.

Tuy nhiên, khi vào TPP, để được hưởng các ưu đãi về thuế suất, các sản phẩm của Việt Nam phải đảm bảo hai tiêu chí chính. Thứ nhất, 55% lượng gỗ nguyên liệu phải có xuất xứ từ trong khối TPP. Thứ hai, các sản phẩm gỗ phải đảm bảo tính hợp pháp từ đất đai, khai thác gỗ, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu, tài chính, an sinh xã hội (lao động).

Cả hai tiêu chí trên, đặc biệt là tiêu chí thứ hai rất khó đảm bảo bởi nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do trong nước chưa có nhiều diện tích có chứng chỉ rừng FSC. Hiện, mới chỉ có khoảng 180 ngàn ha rừng FSC, quá ít so với nhu cầu.

Cùng với đó là thực tế gỗ nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á đều rất khó khăn chứng minh gỗ hợp pháp. Trong khi thị trường nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu của Việt Nam hiện nay là từ các thị trường Đông Nam Á (Lào, Myanmar, Malaysia, Cambodia...), Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong đó, Lào là nước Việt Nam nhập khẩu gỗ nhiều nhất với tỷ trọng 28,9% tổng kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu.

Tại buổi tọa đàm “Rủi ro khi xuất khẩu đồ gỗ trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” tổ chức ngày 23/05, tại Hà Nội, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia Tổ chức Forest Trends cho biết, xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Mỹ hiện cũng tồn tại một số rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu được sử dụng.
Cụ thể, trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1.800 m3 gỗ tròn là gỗ căm xe, gần 3.000 m3 gỗ xẻ là gỗ căm xe với tổng giá trị hai loại khoảng gần 3,2 triệu USD vào Mỹ. Căm xe là gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào và được khai thác từ những diện tích rừng chuyển đổi (sang cây công nghiệp) hoặc từ các dự án cơ sở hạng tầng, như: thủy điện, làm đường.

Quá trình xin phép và thực hiện các dự án này thường liên quan đến một số vấn đề, như: tham nhũng, vi phạm các quy định có liên quan đến quyền cộng đồng, các khoản thuế, phí và lệ phí. Những vấn đề này làm cho tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt Nam có nhiều tranh cãi. Và nguy cơ về vi phạm Đạo luật Lacey (Mỹ) của các doanh nghiệp đang sử dụng các loại gỗ này trong các sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ là rất lớn.

Cần phải làm gì?

Để khắc phục rủi ro về nguồn gốc xuất xứ trong nguyên liệu sản xuất, theo Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD), định hướng trong thời gian tới, Việt Nam cần chuyển dịch, tăng nhập khẩu gỗ từ Úc, New Zealand, hạn chế nhập khẩu từ Lào, Cambodia, Myanmar... để đảm bảo yêu cầu gỗ hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ.

Đối với thị trường gỗ nguyên liệu Malaysia, thành viên trong TPP, tiềm năng mở rộng nhập khẩu là không lớn do nguồn nguyên liệu gỗ của nước này ngày càng cạn kiệt, Chính phủ Malaysia đã và đang có những biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu để đảm bảo đầu vào cho sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị đảm bảo nguồn gỗ nhập khẩu có xuất xứ hợp pháp, Hiệp hội gỗ và Lâm sản đang phối hợp với các thương vụ để lấy danh sách danh sách các nước xuất khẩu gỗ có đủ chứng nhận FSC đầy đủ, hợp pháp để nhập gỗ.

Ngoài ra, ntheo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần quan tâm tới câu chuyện nguyên liệu trong nước. Theo đó, cần xây dựng chương trình liên kết các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng để trồng và khai thác gỗ hợp pháp.

Về lâu dài, ngoài việc ngành gỗ có kế hoạch trồng mới rừng, Chính phủ cần rà soát các vùng chuyên canh nguyên liệu tập trung với quy mô lớn, đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ, Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam, ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để ngành gỗ Việt Nam chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất và phát triển bền vững./.