Nhiều rủi ro khi trái vải phụ thuộc thị trường Trung Quốc

Dẫn lời ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang trên Báo điện tử Vietnamnet, năm 2016, toàn Tỉnh có 30.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm trước. Trong đó, lượng vải chín sớm ước đạt 23.000 tấn, vải thiều chính vụ 107.000 tấn, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn khoảng 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.

Mùa vải thiều năm 2016, theo nhận định của Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính với khoảng 40% tổng sản lượng, tương đương 90% lượng xuất khẩu. Vào vụ thu hoạch vải thiều, tại tỉnh Bắc Giang thường có gần 3.000 điểm thu mua với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 người Trung Quốc.

Do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc, nên lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang hết sức băn khoăn trong việc giữ ổn định cho đầu ra của nông sản này.

Dẫn lời ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trên Báo điện tử Người lao động, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lượng vải thiều rất lớn, nhưng tính ổn định không cao, nhất là thông tin về thị trường tiêu thụ, chính sách biên mậu, hay sự cạnh tranh giữa các thương nhân người Trung Quốc…

Vải thiều Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc

Bên cạnh đó, vẫn tái diễn tình trạng thương nhân kinh doanh vải thiều không thông qua hợp đồng chính thức với người dân sản xuất và các đầu mối thu gom. Hơn nữa, nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ về thị trường, dẫn đến việc găm hàng chờ cuối vụ lên giá... cũng là những khó khăn chưa được khắc phục triệt để.

Để chinh phục thị trường khó tính

Theo ông Hoàng Trung, Cục trường Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện nay, trái cây Việt Nam đã thỏa mãn về kiểm dịch thực vật và tiếp cận được hầu như tất cả các thị trường, kể cả những thị trường khó tính nhất.

Với Mỹ, Việt Nam đã có 4 loại trái cây xuất khẩu được vào thị trường này là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải. Chỉ riêng 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất được gần 2.000 tấn, bằng 200% so với cùng kỳ năm ngoái, gần gấp đôi so với cả năm 2015. Bên cạnh đó, tháng 06/2016, phía Việt Nam sẽ đàm phán để đưa xoài và vú sữa sau thị trường này.

Không chỉ riêng ở Mỹ, tại nhiều thị trường khó tính với yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt, như: Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, đặc biệt là châu Âu… trái cây xuất khẩu của Việt Nam đều gia tăng cả về lượng lẫn giá trị.

Đối với Australia, ngoài trái vải thiều đã được chấp nhận, Việt Nam đang đàm phám để đưa thêm xoài và cả thanh long sang thị trường này. Còn ở Nhật Bản, Việt Nam cũng đang làm hồ sơ để mở đường xuất khẩu chôm chôm.

Hàn Quốc đã có xoài của Việt Nam, phía Cục đang đề xuất thêm vú sữa, vải thiều. Trong khi đó, phía Hàn Quốc đang đánh giá đối với vú sữa Việt Nam ở công đoạn cuối cùng.

Những thông tin trên cho thấy, mùa vụ năm nay và những năm tiếp theo, trái vải Việt Nam có quá nhiều cơ hội và “cửa” đang rộng mở để thâm nhập vào những thị trường nói trên, để có thể tránh nguy cơ phụ thuộc vào Trung Quốc như những năm trước đây.

Trước lo lắng đầu ra của quả vải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, ông Dương Văn Thái cũng cho biết, bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống tiếp tục được duy trì ổn định và thị trường nội địa được xác định là trọng tâm, tỉnh cũng tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường tiềm năng với yêu cầu chất lượng cao hơn. Đây là một trong những hướng giải pháp mới của tỉnh Bắc Giang nhằm nâng cao chất lượng và giá trị quả vải thiều Lục Ngạn trên thị trường.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù các thị trường đã mở cửa đối với trái cây Việt nói chung, trái vải nói riêng, song, chúng ta cũng còn gặp rất nhiều khó khăn và cần phải khắc phục những điểm này.

Theo ông Hoàng Trung, hiện nay, Việt Nam đã ký rất nhiều FTA tự do thế hệ mới, nhiều dòng thuế sẽ giảm xuống 0% nhưng đi kèm với đó là hàng rào kỹ thuật kiểm dịch thực vật tăng lên. Do đó, để hồ sơ một loại trái cây được một quốc gia chấp nhận có khi phải mất tới 10 năm, nhanh là 1 năm, trung bình thì 3-4 năm.

Bên cạnh đó, sản xuất nông sản nói chung và trái cây nói riêng của Việt Nam rất nhỏ lẻ manh mún. Ví dụ để cấp một mã số cho vải sang Mỹ và Úc, các cơ quan chức năng đã phải gom từ 24-28 hộ mới đủ 10 héc ta.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào xuất khẩu trái cây tươi không nhiều. Trong nhiều năm qua, phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp, thay đổi hẳn cách tiếp cận: thay vì doanh nghiệp cần cơ quan nhà nước thì nhà nước chuyển sang phục vụ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, doanh nghiệp nông nghiệp đã yếu thì doanh nghiệp xuất khẩu trái cây còn yếu hơn, đặc biệt là khâu đầu tư sau thu hoạch không nhiều. Vị Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng dẫn chứng, có một số doanh nghiệp làm ăn gian dối, xuất khẩu những lô đầu thì đúng tiêu chuẩn, nhưng những lô sau trà trộn hàng kém chất lượng, làm giảm uy tín trái cây Việt Nam.

Ngoài ra, chi phí vận chuyển của Việt Nam còn rất cao. Ví dụ, một kg thanh long từ Việt Nam sang Nga thường cao hơn 2 USD so với 1 kg từ Thái Lan.

Một vấn đề nữa liên quan tới cơ sở vật chất hạ tầng, hiện cơ sở xử lý hơi nước nóng và chiếu xạ nằm chủ yếu ở khu vực miền Trung và phía Nam. Mặc dù vừa qua đã có có một cơ sở chiếu xạ ở phía Bắc được thành lập, song nếu sau này, các nước nhập khẩu yêu cầu xử lý hơi nước nóng đối với trái vải thì miền Bắc không có cơ sở xử lý nào. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phải thành lập một cơ sở xử lý hơi nước nóng tại miền Băc để đáp ứng yêu cầu nói trên.

Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư cần được tiến hành bài bản, khẩn trương với quyết tâm không để xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”/.

Tham khảo từ các nguồn:

http://nld.com.vn/kinh-te/vai-thieu-van-qua-phu-thuoc-trung-quoc-20160605213445706.htm

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/308380/vai-thieu-thanh-long-xoai-cuoc-do-bo-viet-nam-sang-au-my.html