Ngày 10/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 902/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam do nhận được yêu cầu của các nguyên đơn đại diện ngành sản xuất bột ngọt trong nước là Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam và Công ty TNHH Miwon Việt Nam. Các nguyên đơn này nêu kiến nghị về việc sản xuất trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng do tác động của hàng hóa nhập khẩu.

Trên thị trường trong nước, hiện có 3 nhà sản xuất chính: Công ty CPHH Vedan Vietnam (chiếm 46,95% thị phần trong nước), Công ty TNHH Ajinomoto và Công ty TNHH Miwon. Nếu cộng cả doanh nghiệp ủng hộ đơn yêu cầu của Vedan là Công ty TNHH Miwon Việt Nam thì thị phần cả bên yêu cầu và các bên ủng hộ đã chiếm tới 59,19% tổng lượng sản xuất hàng hoá trong nước.

Tuy nhiên, biện pháp này đang gây nên tranh cãi trong nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và tiêu thụ bột ngọt lớn trong nước: Nó thực sự có hiệu quả hay không?

Mới đây, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại cách thức áp dụng biện pháp bảo vệ doanh nghiệp trong nước theo cách hiệu quả hơn. Theo lập luận của các doanh nghiệp này, việc áp thuế cao dẫn đến chi phí nguyên liệu đầu vào tăng theo sẽ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và người bị thiệt hại cuối cùng là người tiêu dùng Việt Nam.

Cụ thể: Công ty CJ Cheil Jedang và các công ty nhập khẩu mặt hàng bột ngọt đã có đơn khiếu nại. Trong đó, Công ty CJ Cheil Jedang khiếu nại sản phẩm bột ngọt của Công ty này không bán lẻ cho người tiêu dùng mà được dùng làm nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất thực phẩm trong nước nên không thuộc phạm vi áp dụng biện pháp tự vệ.

Việc áp dụng các biện pháp tự vệ cho tất cả mặt hàng bột ngọt nhập khẩu và không phân biệt nguồn gốc xuất xứ, giá cả là không công bằng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Công ty. Bột ngọt nhập khẩu từ Trung Quốc mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam. Trong khi đó, bột ngọt nhập khẩu từ Indonesia vào Việt Nam những năm qua liên tục giảm, nên không ảnh hưởng đến thị trường bột ngọt Việt Nam.

Còn theo 3 công ty nhập khẩu bột ngọt là Uniben, Tân Minh Thông và Interfood, thì quyết định tăng thuế để bảo vệ các công ty sản xuất trong nước là đi ngược lại với cam kết hội nhập và người tiêu dùng là người chịu thiệt hại cuối cùng.

Việc áp dụng biện pháp tự vệ với bột ngọt đang gây nhiều tranh cãi

Trước những phản hồi nói trên, dẫn nguồn tin của Báo Tuổi trẻ Online, trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ giải quyết khiếu nại của các doanh nghiệp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ không huỷ bỏ quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, theo Pháp lệnh Tự vệ quy định thì các sản phẩm bột ngọt của Cty CJ có cùng đặc điểm kỹ thuật, đặc tính hóa lý và công dụng như các sản phẩm sản xuất trong nước bởi vậy việc áp dụng biện pháp tự vệ là đúng đối tượng. Việc áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu cho tất cả các mặt hàng bột ngọt nhập khẩu, không phân biệt nguồn gốc, xuất xứ theo Bộ Công Thương là đúng quy định.

Đối với lượng bột ngọt nhập khẩu từ Indonesia theo phản hồi của doanh nghiệp không gây ảnh hưởng đến thị trường do lượng nhập khẩu liên tục giảm, chiểu theo Hiệp định về các biện pháp tự vệ của WTO, biện pháp tự vệ toàn cầu được áp dụng cho tất cả các quốc gia chiếm trên 3% tổng lượng bột ngọt nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong khi đó, theo thống kê năm 2014, lượng nhập khẩu bột ngọt từ Indonesia vào Việt Nam đã chiếm tới 12,4% nên nước này nằm trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu với bột ngọt nhập khẩu. Căn cứ vào các quy định này, Bộ Công Thương khẳng định tiếp tục áp thuế tự vệ đối với mặt hàng bột ngọt nhập khẩu. Theo đó, kể từ tháng 03/2016, các doanh nghiệp nhập khẩu bột ngọt bị áp thuế nhập khẩu bổ sung với mức 4,3 triệu đồng/tấn (số tròn) và sẽ giảm dần đến ngày 25/3/2020 trở đi, thuế sẽ bằng 0 nếu Bộ Công Thương không tiếp tục gia hạn biện pháp tự vệ.

Thiết nghĩa, trước khi cơ quan quản lý nhà nước xây dựng hàng rào thuế tự vệ, thuế phòng vệ thương mại, nhất định phải quan tâm đến bài toán kinh tế vĩ mô, vừa tính đến hiệu quả của sản xuất trong nước, vừa phải quan tâm đến lợi ích của người tiêu dùng và các thành phần kinh tế khác.

Cụ thể là, việc áp dụng biện pháp tự vệ luôn phải hướng tới mục đích cao nhất là lợi ích của người sử dụng, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả của việc sử dụng hàng rào kinh tế, tránh được tình trạng cứ mỗi khi áp dụng biện pháp tự vệ, thi trường lại lập tức bị biến động, vì vậy bài toán này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20160608/du-co-so-ap-thue-tu-ve-voi-bot-ngot-nhap-khau/1114669.html

http://dantri.com.vn/kinh-doanh/ap-thue-tu-ve-thuong-mai-voi-bot-ngot-loi-bat-cap-hai-20160508221708258.htm