Người Việt không còn ham rẻ

Theo báo cáo của Nielsen, khi được hỏi về những yếu tố nào ảnh hưởng đến quyết định mua sản phẩm của 19 ngành hàng được khảo sát thì giá là 1 trong 2 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người Việt.

Yếu tố còn lại đó là “hương vị” đối với các “ngành hàng có thể ăn/uống được” và “thương hiệu” đối với các ngành hàng tiêu dùng khác. người tiêu dùng Việt đang tìm kiếm những sản phẩm “đáng đồng tiền bát gạo” nhất đối với họ, trong bất kể bối cảnh kinh tế đang diễn ra như thế nào. Gần 6/10 người Việt cảm thấy thích việc dành thời gian đi tìm các sản phẩm giá rẻ.

Nhưng khi nói về việc lựa chọn cửa hàng, thì có những yếu tố khác ảnh hưởng đến sự lựa chọn của người tiêu dùng chứ không chỉ đơn là là yếu tố liên quan về giá. Sự sẵn có của sản phẩm (62%), sản phẩm có chất lượng cao (57%), vị trí cửa hàng thuận tiện (54%), cung cách phục vụ của nhân viên tại cửa tiệm (51%) và sắp xếp / phân loại hàng hóa hợp lý (51%) là 5 yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn cửa hàng của người tiêu dùng.

“Mặc dù hoạt động khuyến mãi sôi nổi được tạo ra bởi cả nhà bán lẻ cũng như nhà sản xuất đã tạo ra sự kỳ vọng của người tiêu dùng rằng giá thấp là một yếu tố tiêu chuẩn trên thị trường, và khi người tiêu dùng đang điều chỉnh lại chi tiêu của họ và sự thật là họ quan tâm đến giá trị của sản phẩm hơn là vấn đề giá rẻ”, ông Roberto Butragueño, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ bán lẻ - Nielsen Việt Nam, đưa ra nhận định.

Theo Neilsen, người tiêu dùng Việt Nam quan trọng giá trị hơn là tham rẻ

Nielsen cũng cho biêt, người tiêu dùng sẽ sẵn sàng để trả nhiều hơn nếu họ tin rằng sản phẩm đó mang lại nhiều giá trị và lợi ích hơn là một sản phẩm giá rẻ đơn thuần. Một trong những cách hiệu quả nhất mà có thể giúp nhà bán lẻ tránh được cuộc chiến về giá và chiến lược khuyến mãi không bền vững đó là tăng nhận thức về những lợi ích mà họ cung cấp cho người tiêu dùng. Và từ lâu các nhà sản xuất và các nhà bán lẻ thông minh cũng đã biết, giá cả và giá trị sản phẩm không bao giờ là một.

Tuy nhiên, để đảm bảo người mua hàng sẽ quay lại cửa tiệm, các nhà bán lẻ cần phải đáp ứng vượt trên cả mong đợi của người tiêu dùng, đồng thời cũng phải chứng minh một cách thuyết phục với người tiêu dùng rằng sản phẩm họ cung cấp xứng đáng với những giá trị và lợi ích mà sản phẩm ấy mang lại.”

Tiện lợi trở thành một tiêu chuẩn trong mua sắm

Với nhịp sống ngày càng nhanh hơn và quy mô hộ gia đình Việt ngày càng nhỏ dần, người Việt Nam mong muốn tiện lợi trong mọi vấn đề, đặc biệt là việc lựa chọn cửa hàng để đi mua sắm. Gần 6/10 người mua hàng Việt Nam cho rằng, quyết định lựa chọn cửa hàng của họ bị ảnh hưởng bởi vị trí thuận lợi của cửa hàng đó. Hơn nữa, gần 5/10 người tiêu dùng cho biết việc dễ dàng lựa chọn và mua sắm sản phẩm trong một cửa hàng được thiết kế và trưng bày hàng hóa hợp lý cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến việc lựa chọn nơi mua sắm của họ.

Khi nói đến các dịch vụ trong cửa tiệm mà có thể đáp ứng được nhu cầu của lối sống “luôn di chuyển” của người tiêu dùng, thì khoảng một nửa số người được hỏi cho biết, họ sử dụng dịch vụ ngân hàng (56%), các dịch vụ thức ăn nhanh (52%), đổ xăng (52%), các dịch vụ thư tín và dịch vụ café (47%), các dịch vụ thức ăn chế biến sẵn (45%) và các dịch vụ dược khoa (41%).

“Tiện lợi không chỉ là nói đến cửa hàng, mà nó đã trở thành một lối sống. Cửa hàng sẽ không biến mất trong thời gian gần, nhưng các cửa hàng sẽ phải thay đổi rất nhiều và rất mạnh trong thời gian tới khi thương mại điện tử ngày càng phát triển và sự mong đợi của người mua hàng liên tục thay đổi. Các nhà bán lẻ cần phải xem xét các cửa hàng của họ sẽ đóng vai trò như thế nào trong chiến lược bán lẻ đa kênh của họ (omnichannel) và làm thế nào để họ có thể sử dụng chúng nhằm tăng cường các dịch vụ của họ cũng như cung cấp giá trị cho mỗi chuyến mua hàng của người tiêu dùng”, ông Roberto Butragueño nhận định./.