Khó khăn chồng chất

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tháng 06/2016, cả nước chỉ xuất khẩu 380.000 tấn gạo, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo cả nước đạt 2,732 triệu tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2015.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do, nhu cầu tiêu thụ từ các thị trường truyền thống, như: Trung Quốc, Philippines, Indonesia chưa hồi phục. Ví dụ như đối với thị trường Trung Quốc, từ ngày 30/5/2016, theo Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), Tổng Cục giám sát chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật. Theo đó, xuất khẩu gạo Việt Nam sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn do các nội dung của chương trình giám sát của nước này rất chặt chẽ.

Hơn nữa, xuất khẩu gạo gặp khó là do áp lực cạnh tranh từ Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ… Điển hình như: việc Thái Lan xả gạo tồn kho giá rẻ đang ảnh hưởng trực tiếp đến phân khúc gạo thường của Việt Nam. Trong khi đó, giá mua nguyên liệu loại gạo này ở thị trường trong nước đang tăng từ 400-550 đồng/kg khiến gạo Việt giảm sức cạnh tranh.

Xuất khẩu gạo đang gặp nhiều khó khăn, thách thức

Còn theo báo cáo của Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá vụ mùa Hè Thu năm nay diễn ra trong tình hình khô hạn, nắng nóng kéo dài từ vụ Đông Xuân và ảnh hưởng của xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra gay gắt trên diện rộng, nhất là các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến sản lượng cũng như chất lượng gạo xuất khẩu.

Lượng gạo xuất khẩu ì ạch đã khiến giá lúa trong nước cũng giảm mạnh. Trong tuần qua (từ ngày 4-10/07/2016), giá lúa IR50404 giảm chỉ còn 4.000 đồng/kg lúa tươi, giá lúa chất lượng cao OM 2514, OM 1940 cũng giảm 500-750 đồng/kg so với tháng 6. Giá lúa sụt giảm khiến nông dân lao đao bởi một số doanh nghiệp cố tình ép giá hoặc không mua lúa. Nhiều trường hợp đến ngày thu hoạch người dân phải tìm thương lái bán với giá thấp hoặc phơi sấy dự trữ.

Không chỉ chịu áp lực về giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam còn phải đối mặt với vấn đề chất lượng gạo thấp do ảnh hưởng của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, không đạt yêu cầu về xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Dẫn lời Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Văn Bảnh trên Báo Hà Nội mới Online cho biết, người nông dân chưa chú trọng tới an toàn vệ sinh thực phẩm cả trong khâu sản xuất lẫn chế biến. Do chủ yếu là xuất thô, nên dù mỗi năm Việt Nam xuất khẩu hàng triệu tấn gạo, nhưng hệ thống siêu thị của các nước này đều không có gạo mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam". Thậm chí, gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng vắng bóng ở các thị trường châu Âu và Nhật Bản…

Chất lượng là yếu tố sống còn

Theo dự báo của VFA, trong 6 tháng cuối năm nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 3 triệu tấn gạo, giảm 22% so với cùng kỳ; lũy kế cả năm 2016 xuất được 5,65 triệu tấn, giảm 15% so với năm 2015 (chỉ tính xuất chính ngạch). Trong khi đó, theo ước tính của Cục Trồng trọt, năm 2016, Việt Nam có đến gần 7,6 triệu tấn gạo dành cho xuất khẩu.

Vì vậy, gánh nặng áp lực lên những tháng cuối năm là rất lớn đối với xuất khẩu gạo, không chỉ về sản lượng mà còn ở vấn đề chất lượng, thương hiệu.

Tại Hội nghị sơ kết công tác xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm và kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016, do VFA tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 08/07/2016, vấn đề thương hiệu và chất lượng của ngành lúa gạo Việt Nam là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều cho rằng, bên cạnh việc tập trung xây dựng thương hiệu, ngành lúa gạo Việt Nam phải đồng thời giải quyết triệt để vấn đề dư lượng hóa chất trong sản xuất gạo thì mới có thể phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, dẫn lời Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam trên Báo điện tử Vnexpress thì, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy tác hại của việc lạm dụng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất cũng như hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc trộn gạo ở các doanh nghiệp xuất khẩu, nếu phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm theo quy định, không để tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh” ảnh hưởng tới uy tín của gạo Việt Nam trên thị trường. Các doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng gạo, tìm kiếm thị trường mới để tăng kim ngạch xuất khẩu. Đồng thời, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp về các trường hợp có thể xảy ra tranh chấp thương mại, hàng rào kỹ thuật ở nước nhập khẩu để tránh rủi ro.

Ngoài ra, đối với Trung Quốc - thị trường nhập khẩu gạo chính và chiếm giữ gần 35% thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam, thì các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động nguồn cung, cơ cấu gạo, ổn định chất lượng để nâng cao tính cạnh tranh, tìm thị trường thay thế, đồng thời xây dựng chiến lược xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm để ứng phó trước tình hình Trung Quốc siết giám sát nhập khẩu gạo từ Việt Nam./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/hang-hoa/giam-ke-hoach-xuat-khau-gao-3434764.html

http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/840630/xuat-khau-gao-6-thang-cuoi-nam-kho-ve-dich

http://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-gao-6-thang-cuoi-nam-van-cho-tin-hieu-tang-mua/395084.vnp