Theo báo cáo Điểm lại Tình hình Kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố ngày 19/07 vừa qua, WB dự báo nguy cơ xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ chịu tác động lớn.

Theo đó, đối với thương mại và du lịch, Brexit có thể làm xấu thêm triển vọng tăng trưởng của EU, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu của EU từ bên ngoài, trong đó có Việt Nam. Hiện tại EU là thị trường quan trọng và lớn thứ 2 – chiếm khoảng 19,5% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, trong đó Vương quốc Anh chiếm khoảng 3%.

Xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu là hàng tiêu dùng, như: quần áo, giầy dép, điện thoại, máy tính và một số hàng thực phẩm như thủy sản... Các mặt hàng này chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Trong các năm vừa qua, xuất khẩu của Việt Nam vào EU khá ổn định và không quá bị ảnh hưởng vào diễn biến cũng như triển vọng tăng trưởng của khu vực này. Điều này ngầm định rằng, tăng trưởng chậm lại của EU có thể sẽ không gây ảnh hưởng quá lớn tới xuất khẩu của Việt Nam.

Cuối cùng, khách nước ngoài từ EU và Vương quốc Anh chỉ chiếm tương ứng 12% và 2% tổng lượng khách tới Việt Nam. Dự kiến rằng kinh tế EU và UK khó khăn cũng chỉ tác động ở mức độ vừa phải tới ngành du lịch Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung (Bảng).

Bảng: Dự báo rủi ro từ Brexit tới Việt Nam

Kênh ảnh hưởng

Các mối liên hệ

EU và Việt Nam

UK và Việt Nam

Tín dụng quốc tế

2,3%

FDI

< 8%

<2%

Xuất khẩu

18,9%

2,9%

Khách du lịch

12%

2%

Nguồn: WB

Trong khi đó, hồi cuối tháng 06/2016, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng đưa ra nhận định, sự kiện “Brexit” sẽ kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU như Trung Quốc hay Việt Nam

Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tính tới hết tháng 05/2016 chiếm khoảng 2,9% trong tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Đây là một tỷ lệ đáng chú ý dù Anh không phải là thị trường xuất khẩu rộng lớn như Mỹ, EU. Với giá trị xuất khẩu sang Anh tương đương 4,6 tỷ USD trong năm 2015, nếu tỷ trọng nhập khẩu của Anh giảm 10%, thì xét về giá trị tuyệt đối, ảnh hưởng tới xuất khẩu Việt Nam khoảng 460 triệu USD...

Trong vòng 5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu sang Anh chiếm 2,4% GDP Việt Nam, trong khi tỉ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Đó là lý do nhiều báo chí kinh tế quốc tế đã cho rằng, Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong khu vực Đông Á từ Brexit.

Cũng theo VCBS, theo nhiều dự báo, tăng trưởng của khu vực EU nhiều khả năng sẽ chỉ giảm khoảng 1%-2% sau Brexit, nên kỳ vọng quan hệ thương mại giữa EU và Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn.

Điểm bất lợi cho Việt Nam là nếu xuất khẩu sang thị trường Anh cũng như EU suy giảm, thặng dư thương mại với các nước thuộc khu vực này có thể sẽ giảm bớt bởi Việt Nam luôn là nước xuất siêu sang Anh và EU với giá trị thặng dư tăng dần qua các năm và đạt mức cao nhất trong năm 2015 (3,9 tỷ USD đối với riêng nước Anh và 20,6 tỷ USD đối với thị trường chung EU). Sự kiện Brexit vì thế có thể sẽ khiến lợi thế này của Việt Nam giảm bớt, gây khó khăn chung cho cán cân thương mại tổng thể trong thời gian tới.

Dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành - giảng viên trường Đại học Fulbright Việt Nam trên Báo Lao động điện tử, xuất khẩu sang Anh chắc chắn sẽ chịu tác động tiêu cực ít nhất trong ngắn hạn khi đồng bảng Anh giảm giá. Tác động sẽ lớn hơn nếu Brexit làm cho nền kinh tế Anh rơi vào suy thoái và bất ổn trong vòng 2 năm nữa, trước khi Anh đạt thỏa thuận chính thức rời khỏi EU. Ở cấp độ vĩ mô, tác động tới tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ là nhỏ. Vậy, ở mức vi mô, chỉ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng may mặc, giày dép, nội thất và nông sản phụ thuộc nhiều vào thị trường Anh mới chịu tác động lớn.

Tuy đứng trước nhiều áp lực, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, dù người Anh đã quyết “dứt áo” ra khỏi EU, nhưng cũng phải mất 2-3 năm nữa thì quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Và đây là khoảng thời gian được các chuyên gia nhấn mạnh là “cơ hội vàng” để các doanh nghiệp xuất khẩu cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://laodong.com.vn/lao-dong-doi-song/brexit-se-khien-xuat-khau-viet-nam-gap-kho-567699.bld

http://vov.vn/kinh-te/wb-tiep-tuc-ha-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-con-60-nam-2016-531933.vov