Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, Hiệp định thương mại tự do giữa một bên là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và bên kia là Liên minh Kinh tế Á - Âu và các quốc gia thành viên (Việt Nam - EAEU FTA, bao gồm Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia và Cộng hòa Kyrgyzstan) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 05/10/2016.

Liên minh Kinh tế Á - Âu là thị trường với 182,7 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.200 tỷ USD

Việt Nam - EAEU FTA đã được hai Bên khởi động từ tháng 03/ 2013, qua 2 năm đàm phán với 8 phiên chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ, ngày 29/05/2015 Thủ tướng Chính phủ các nước đã thay mặt Nhà nước chính thức ký Hiệp định này tại Burabay, Kazakhstan.

Sau khi Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực, hai bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban về Thương mại hàng hóa, Tiểu ban về Quy tắc xuất xứ để phối hợp triển khai hiệu quả, đồng thời giám sát việc thực thi Hiệp định.

Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm các chương chính về: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Phòng vệ thương mại; Thương mại dịch vụ; Đầu tư; Sở hữu trí tuệ; Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (SPS); Quy tắc xuất xứ; Thuận lợi hóa hải quan; Phòng vệ thương mại; Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Công nghệ điện tử trong thương mại; Cạnh tranh; Pháp lý và thể chế.

Hiệp định này có hiệu lực, cùng với việc Việt Nam là đối tác đầu tiên ký FTA với Liên minh sẽ tạo ra cơ hội thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường rộng lớn với 182,7 triệu dân và GDP đạt khoảng 2.200 tỷ USD.

Đồng thời, sẽ có gần 90% dòng thuế được cắt, giảm thuế quan nhập khẩu, trong đó 59,3% được Liên minh xóa bỏ ngay khi Hiệp định Việt Nam - EAEU FTA có hiệu lực. Hơn nữa, nhiều nhóm sản phẩm, như: chè, cà phê nguyên liệu, thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ sẽ được giảm thuế về 0%. Đây là lợi thế rất lớn cho Việt Nam trong việc cạnh tranh với các nước khác trên thế giới.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý, để được hưởng ưu đãi doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ Hiệp định, đặc biệt là Chương Quy tắc xuất xứ, bao gồm các quy tắc xuất xứ chung cũng như quy tắc cụ thể của từng mặt hàng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam bên cạnh việc chuẩn bị tốt các điều kiện hạ tầng cần phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt cũng như cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa các nước khác. Đồng thời, để hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường này, các doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu kỹ và chuẩn bị phương án đối phó với các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là có thể lựa chọn phân khúc phù hợp về giá cả và chất lượng cho hàng hóa xuất khẩu./.