Theo đó, muộn nhất là 12 giờ trưa 13/10, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tính toán để giảm giá, đối với xăng tối thiểu là 669 đồng/ lít; dầu điezen:878 đồng/ lít; dầu hỏa là 848 đồng/ lít, ma dút 724 đồng/ kg.

Ngay sau khi có yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã thực hiện giảm giá bán theo quy định. Cụ thể, Petrolimex đã ra quyết định về giá bán xăng dầu số 443/PLX-QĐ-TGĐ, ngày 13/10/2014 do Phó tổng giám đốc Petrolimex Phạm Đức Thắng ký. Mức giá bán lẻ mới được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối trên lãnh thổ Việt Nam, gồm: các cửa hàng xăng dầu Petrolimex và các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý, tổng đại lý của Petrolimex.

Theo đó, mức bán lẻ được Petrolimex áp dụng kể từ 12h trưa nay là 22.890 đồng/ lít đối với xăng RON 92, giảm 670 đồng so với trước đó. Các mặt hàng khác cũng được điều chỉnh theo, trong đó mạnh nhất là dầu diezen 0,05S giảm 880 đồng còn 20.240 đồng/ lít. Các mức cụ thể như sau:

Lãnh đạo Petrolimex cho biết, việc giảm giá xăng dầu lần này xuất phát từ thực tiễn diễn biến giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới trong chu kỳ tính giá, phù hợp với nguyên tắc xác định giá bán tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng và các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 84của Liên bộ Tài chính - Công Thương.

Ngoài yêu cầu giảm giá như nêu trên, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giảm mức trích quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu xuống còn 100 đồng thay vì mức 300 đồng/lít, kg.

Lần điều chỉnh giảm gần đây nhất là ngày 30/9, giá xăng RON 92 giảm 150 đồng, dầu diezen 0,05S giảm 380 đồng/lít. Như vậy, đây là lần giảm giá xăng thứ 7 liên tiếp kể từ cuối tháng 7.

Nhiều khả năng, đây có thể là lần giảm giá xăng dầu trước khi Nghị định 84 hết hiệu lực và được thay thế bằng Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, có hiệu lực từ ngày 1/11/2014.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đánh giá, Nghị định 83 vẫn đảm bảo giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng lại có những điểm mới căn bản, nhằm đưa thị trường xăng dầu phát triển tiệm cận thị trường xăng dầu thế giới.

Nghị định 83 nêu rõ, nếu giá cơ sở tăng 0%-3%, thì doanh nghiệp tự quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ tương ứng giá cơ sở tại thời điểm điều chỉnh giá. Trường hợp giá cơ sở tăng 3%-7%, việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các bộ Công Thương, Tài chính. Nếu giá cơ sở tăng trên 7% là do Chính phủ quyết định. Đây là một thay đổi lớn so với quyền tự quyết 7% của Nghị định 84 cũ. Như vậy, mỗi lần tăng giá tối đa doanh nghiệp cũng chỉ được tăng từ 400-500 đồng/lít sẽ không gây sốc cho người dân và nền kinh tế./.