Khó khăn, thách thức

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu mới chỉ đạt hơn 112 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 109,7 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2015. Cả nước xuất siêu gần 2,46 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, đây là mức tăng trưởng xuất khẩu thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 10% mà Quốc hội đề ra.

Bộ này cũng lo ngại về tình hình trước mắt không mấy khả quan bởi dự báo kinh tế và thương mại thế giới còn rất khó khăn và chính điều này đã tác động không nhỏ tới cán cân thương mại của Việt Nam. Bên cạnh đó, báo cáo tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đây cũng nhận định, xuất khẩu cũng tăng chậm hơn kế hoạch do kinh tế thế giới còn khó khăn, giá hàng hóa thế giới vẫn ở mức thấp.

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đưa ra hy vọng khi cho biết, xuất khẩu được dự báo sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm do xu hướng phục hồi giá hàng hóa thế giới. Trong đó, khu vực FDI tiếp tục là nhân tố chủ lực trong cả hai lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu khi chiếm tới 65% tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu cả nước và là khu vực mang lại thặng dư cho cán cân thương mại. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này tiếp tục được kỳ vọng tích cực hơn nữa trong thời gian tới khi nguồn vốn FDI chảy vào Việt Nam tiếp tục tăng mạnh.

Xuất khẩu cả năm khó đạt được mục tiêu 10%

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xuất khẩu đang chịu những ảnh hưởng bất lợi cả từ phía chủ quan và khách quan.

Theo đó, về khách quan, kinh tế toàn cầu ảm đạm khiến nhu cầu nhập khẩu và giá hàng hóa thế giới giảm. Trung Quốc - nền kinh tế thứ 2 thế giới, tiếp tục giảm tốc. Nhật Bản - nền kinh tế thứ 3 thế giới, sau khi có chuyển biến tích cực do chính sách kích cầu Abenomics, lại quay đầu đi xuống với việc Chính phủ bắt đầu chương trình tăng thuế tiêu dùng VAT. EU chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công từ 2010 đến nay, lại chịu tác động bởi sự kiện Brexit (Anh bỏ phiếu rời EU vào tháng 06/2016). Anh là nền kinh tế lớn thứ 2 EU và thứ 9 thế giới, nước đầu tư FDI lớn thứ 3 thế giới và là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới. Do vậy, Brexit sẽ có tác động lớn đến kinh tế EU và toàn cầu. Riêng nền kinh tế Mỹ phục hồi, song chậm và chưa vững chắc, không đủ sức kéo “đoàn tàu’’ kinh tế thế giới.

Sự trì trệ kéo dài của kinh tế thế giới dẫn đến nhu cầu nhập khẩu toàn cầu suy giảm, khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu từ 4,4% đưa ra tháng 07/2015 xuống còn 2,7% đưa ra tháng 07/2016. Theo IMF, do nhu cầu toàn cầu suy giảm, giá hàng hóa trên thị trường thế giới năm 2016 hầu như không tăng hoặc chỉ tăng thấp. Đó là chưa kể đến trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiều nước dựng các hàng rào kỹ thuật ngày càng chặt chẽ, gây khó khăn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, mức độ cạnh tranh xuất khẩu sang các thị trường lớn giữa các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam ngày càng mạnh.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới chịu tác động tiêu cực kép của cả lượng giảm và giá giảm. Thực tế trong 8 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của nhóm nhiên liệu - khoáng sản giảm mạnh tới 38,8% do cả lượng và giá giảm, trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản và nhóm công nghiệp chế biến - chế tạo có tăng, nhưng không cao như những năm trước đây, chỉ đạt tương ứng 5,4% và 7,8%.

Về chủ quan, xu hướng liên tục sụt giảm tăng trưởng xuất khẩu từ năm 2011 đến nay. Theo đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc nhóm nông, thủy sản (gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, tôm cá) hầu như đã đạt tới ngưỡng giới hạn. Do vậy, khó có thể tiếp tục tăng mạnh sản lượng. Ngoài ra, thời tiết bất lợi năm nay do hiện tượng El Nino gây hạn hán nặng, đồng thời biến đổi khí hậu gây xâm nhập mặn nặng cùng với bão lũ và ô nhiễm môi trường do công nghiệp đã tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến – chế tạo chưa xuất hiện mặt hàng mới có kim ngạch xuất khẩu cao. Ngoài ra, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực FDI đang chậm lại. Trong những năm qua, khu vực FDI chiếm tỷ trọng trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn hẳn khu vực doanh nghiệp trong nước, do vậy đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI chậm lại, khiến tăng trưởng xuất khẩu chung suy giảm.

Tập trung giải pháp tháo gỡ

Vì thế, nếu không quyết liệt khai thác thị trường mới và thị trường tiềm năng cũng như thị trường truyền thống thì khả năng mức tăng trưởng xuất khẩu cả năm cũng chỉ dừng lại ở mức tăng trưởng 8%.

Để gỡ nút thắt cho xuất khẩu trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi đây là một trong những nội dung tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý ngành Công Thương cần tập trung rà soát lại những quy định liên quan đến thủ tục xuất nhập khẩu, cũng như cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại nhằm khơi thông thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường và phát triển thị trường để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản và thủy sản, như: gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều, rau quả, tôm cá... Đặc biệt, cũng cần lưu ý rằng, việc phổ biến nội dung các FTA, đặc biệt làm rõ các lợi thế mà Việt Nam có thể được hưởng để đẩy mạnh xuất khẩu là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong đó, ngành Công Thương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến về quy tắc xuất xứ, quy chế chứng nhận hoặc tự chứng nhận xuất xứ cho các đối tượng (các sở công thương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp) để nhanh chóng áp dụng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-kho-dat-muc-tieu-tang-truong-xuat-khau-10-nam-2016/401613.vnp

http://bnews.vn/go-nut-that-cho-xuat-khau-nhung-thang-cuoi-nam/21676.html

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/100-6604-thang-8-xuat-sieu-duoc-200-trieu-usd.html