Ngày càng diễn biến phức tạp: Do đâu?

Theo Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), sau khi Chỉ thị 30/CT-TTg được ban hành, nhiều địa phương, bộ, ngành và lực lượng chức năng đã xác lập nhiều kế hoạch nghiệp vụ, chuyên án đánh mạnh vào các đường dây, tổ chức buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá lậu trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Theo đó, từ ngày 1/10/2014-30/6/2016, các lực lượng chức năng của 6 địa phương trọng điểm phía Nam đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 15.363 vụ, thu giữ 11.390.366 bao; khởi tố hình sự 372 vụ và 471 đối tượng. Trong đó, điển hình như: Long An đã bắt giữ 3.782 vụ, tang vật thu được 4.089.498 gói thuốc lá ngoại, khởi tố hình sự 56 vụ/79 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 717 trường hợp với số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Thực trạng trên cho thấy, buôn lậu thuốc là ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và một trong số những nguyên nhân theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, đó là lợi nhuận thu được từ việc buôn lậu, kinh doanh thuốc lá nhập lậu rất cao (thuốc lá nhãn hiệu Hero chênh lệch từ 8.000-10.000 đồng/bao, Jet 10.000-12.000 đồng/bao, Esse là 3.500-4.000 đồng/bao). Trong khi đó, thuốc lá điếu hợp pháp trong nước đang bị áp thuế cao (thuế tiêu thụ đặc biệt 65%, thuế VAT 10%, thuế nhập khẩu 135%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%, quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%). Vì vậy, lợi nhuận thu được từ kinh doanh thuốc lá hợp pháp chỉ bằng 1/30 so với thuốc lá nhập lậu.

Bên cạnh đó, nguyên nhân của tình trạng thuốc lá lậu ngày càng tăng do cấp ủy chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa quyết liệt thường xuyên trong công tác chỉ đạo. Các lực lượng chức năng ở một số địa phương nhiều thời điểm chưa làm tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu; một số đơn vị còn biểu hiện thiếu tình thần trách nhiệm, ngại khó, sợ nguy hiểm nên công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá không đạt hiệu quả cao, tình trạng buôn lậu phức tạp vẫn còn tiếp diễn ở một số địa bàn, tuyến trọng điểm.

Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng và các địa phương mặc dù đã được tiến hành hiệu quả hơn so với trước đây. Tuy nhiên, chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác bắt giữ, xử lý.

Ngoài ra, trong khi công tác chống buôn lậu thuốc lá chưa thực sự hiệu quả thì việc xử hình sự hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu đang gặp vướng mắc, thậm chí nhiều vụ việc không xử lý được do các quy định “đá” nhau.

Theo khoản 22, Điều 1, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP, ngày 19/11/2015 quy định xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh, nhập lậu, vận chuyển trái phép từ 500 bao trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi xử lý những vụ việc số lượng trên 500 bao đến dưới 1.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu khi chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự lại bị “vướng” bởi quy định tại khoản 2, Điều 7, Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC.

Theo đó, đối với hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ sản phẩm thuốc lá nhập lậu, việc xác định số lượng làm căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự (số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn; Số lượng từ 4.500 bao đến dưới 13.500 bao được coi là có số lượng rất lớn; Số lượng từ 13.500 bao trở lên được coi là có số lượng đặc biệt lớn). Chính vì vậy, không truy cứu trách nhiệm được các đối tượng vi phạm trong những trường hợp vận chuyển từ 500 - 1.500 bao bởi số lượng dưới mức căn cứ định tội của Thông tư 36.

Thuốc lá lậu ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn

Bên cạnh đó, dẫn lời ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam trên Báo Công Thương góp ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43 (ngày 07/5/2009), bổ sung mặt hàng “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” vào danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh. Ngoài ra, tại Điều 9 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 đã quy định rất rõ ràng “mua bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá nhập lậu” là những hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, Luật Đầu tư 2014 không quy định cấm đầu tư kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong khi lại quy định sản xuất kinh doanh thuốc lá điếu là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ông Cường nhận định, việc này gây hiểu nhầm là kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu thuộc ngành nghề có điều kiện và tạo ra khó khăn trong công tác xử lý hình sự đối với kinh doanh thuốc lá điếu nhập lậu trong thực tiễn.

Có nên tái xuất thuốc lá lậu?

Tại tại buổi tọa đàm “An toàn - Hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam” diễn ra ngày 07/10/2016, Bộ Công an và một số địa phương đã đề nghị Chính phủ cho tái xuất thuốc lá lậu. Theo Bộ Công an, tái xuất sẽ tránh gây lãng phí, tạo nguồn thu cho ngân sách và tránh ảnh hưởng sức khỏe, ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, phân tích kỹ cho thấy, vấn đề này cần được xem xét kỹ bởi những lợi bất cập hại của nó. Trên thực tế, Việt Nam đã có những cam kết quốc tế về vấn đề tiêu hủy thuốc lá lậu. Cụ thể: theo Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg, UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở địa phương tổ chức thực hiện việc tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu.

Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg cũng thể hiện cam kết tiêu huỷ thuốc lá nhập lậu của Chính phủ Việt Nam tại Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO mà Việt Nam đã tham gia.

Cụ thể, Khoản 4c, Điều 15 của FCTC quy định rõ các quốc gia thành viên phải “tiến hành các bước thích hợp để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị sản xuất, thuốc lá giả, thuốc lá nhái nhãn mác, thuốc lá nhập lậu và các sản phẩm thuốc lá khác bị tịch thu được tiêu hủy

Cũng căn cứ theo Quyết định 2371/2014/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2015/TT-BTC, hướng dẫn cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá để hình thành Quỹ Phòng, chống buôn lậu thuốc lá điếu và chống sản xuất, buôn bán thuốc lá giả (gồm có kinh phí hỗ trợ tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu).

Thực tế, để bảo quản các sản phẩm sau khi tái xuất không quay trở lại Việt Nam, viết tái xuất phải được thực hiện bằng đường biển và phải xuất đến các quốc gia không có đường biên giới với Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê của nhà chức trách cho thấy rất ít các công ty thu mua đáp ứng được quy định này.

Bên cạnh đó, việc tìm được thị trường tái xuất cũng là vấn đề khó khăn bởi sản phẩm thuốc lá muốn được nhập khẩu chính thức vào các nước phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật đối với sản phẩm thuốc lá của nước nhập khẩu. Đây là những nguyên nhân dẫn đến việc tái thẩm lậu thuốc lá đã được đưa đi tái xuất trở lại thị trường trong nước.

Đồng tình quan điểm không tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu, tại Hội nghị về chống buôn lậu thuốc lá ở những địa bàn trọng điểm vào ngày 18/10/2016, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu cho rằng, việc tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu đòi hỏi phải có số lượng lớn, trong khi có nhưng trường hợp tịch thu thuốc lá nhập lậu với lượng ít, trường hợp này phải cần có nơi cất và bảo quản thuốc lá để đợi khi có đủ số lượng mới thực hiện tái xuất, vậy sẽ phát sinh thêm các chi phí khác để cất giữ và bảo quan thuốc lá nhập lậu bị tịch thu.

Thực tế, năm 2012, Chính phủ cũng đã từng thí điểm cho tái xuất thuốc lá nhập lậu bị tịch thu theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg, ngày 21/08/2012. Sau hai năm thực hiện thí điểm cho thấy, phương án này có nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện. Việc cho tái xuất thuốc lá đã có dấu hiệu thẩm lậu lại thị trường. Trước đây, tại Quảng Trị lực lượng chức năng đã đánh dấu một lô thuốc lá lậu trước khi cho tái xuất nhưng chỉ một gian ngắn, chính lô thuốc lá ngoại nhập lậu này lại “tái xuất” ngược vào nội địa.

Giải pháp nào khả thi?

Để góp phần hạn chế thuốc lá lậu, tại buổi tọa đàm “An toàn - Hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam” nói trên, ông Nguyễn Trung Bính, Phó Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh đề xuất: Cần có chế tài mạnh hơn so với hiện nay và những người tham gia buôn lậu thuốc lá đã ký cam kết, nếu tái phạm sẽ bị truy tố.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, tập trung làm rõ các đường dây buôn lậu và trừng trị nghiêm khắc các đối tượng đầu sỏ buôn lậu.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần nâng cao nhận thức thông qua các kênh tuyên truyền, tích cực vận động người dân, tạo công ăn việc làm, tạo nguồn thu nhập bền vững và lâu dài cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Để góp phần chống thuốc lá lậu, Phó Thủ tướng lưu ý, cùng với việc kiểm soát chặt các điểm nóng thuộc vùng biên giới, công tác quản lý thị trường bán lẻ cần phải được tăng cường, vì chính những sạp hàng, đại lý là nơi cung cấp thuốc lá lậu đã tạo đầu ra cho thuốc lá nhập lậu tồn tại.

Trong khi đó, tại Hội nghị về chống buôn lậu thuốc lá ở những địa bàn trọng điểm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cho rằng, cần phải có đề án kiểm soát bán lẻ thuốc lá. Đồng thời, cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để người dân thấy được tác hại của thuốc lá, vì nếu giảm cầu thì cung cũng sẽ giảm, đây mới là biện pháp cơ bản nhất.

Trong khi đó, về vấn đề tái xuất thuốc lá lậu, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu tính khả thi của từng phương án. Nếu tiêu hủy, đã thật sự tốt hay chưa? Vì trong nước tiêu hủy, nguồn thuốc lá lậu bên kia biên giới chỉ đợi chúng ta "xao nhãng" thì số lượng thuốc lá lậu tuồn qua sẽ tăng gấp đôi, nhằm bù vào số đã bị các cơ quan chức năng tiêu hủy.

Ngoài ra, để tăng cường hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu thuốc lá, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cùng với Ban Chỉ đạo 389 các địa phương cũng cần phối hợp với các lực lượng chức năng trung ương, địa phương và Hiệp Hội Thuốc lá Việt Nam tiếp tục tích cực triển khai quyết liệt Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ; Các địa phương trong cả nước chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn kiên quyết đấu tranh, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu (đặc biệt là việc bày, bán thuốc lá lậu tại các tủ, quầy, cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…)./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baocongthuong.com.vn/chong-buon-lau-thuoc-la-can-giai-phap-huu-hieu.html

http://www.tienphong.vn/phap-luat/thuoc-la-lau-gay-that-thoat-ngan-sach-10000-ty-dong-1059699.tpo

http://baodautu.vn/de-xuat-tai-xuat-thuoc-la-lau-bi-bat-chong-buon-lau-vat-va-boi-phan-d53229.html

http://baophapluat.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/tai-xuat-thuoc-la-dieu-nhap-lau-loi-bat-cap-hai-299931.html