Giải trình trước Quốc hội ngày 07/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ làm rõ tất cả những vấn đề cũng như đề xuất cụ thể của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện cho dự thảo Luật.

Lo dự Luật khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới, gây khó cho doanh nghiệp

Góp ý kiến về dự án Luật Quản lý ngoại thương tại nghị trường, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thẳng thắn cho rằng, dự thảo Luật đã "ôm đồm quá nhiều vấn đề không cần thiết hoặc không hiệu quả".

Do vậy, ông Lộc quan ngại, dự thảo Luật đã khoác thêm nhiều “tròng” quản lý mới đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngoại thương hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Trong khi đó, theo đánh giá của đại biểu Vũ Tiến Lộc, thì những nội dung cần thiết, cốt lõi lại được quy định rất chung chung, "chẳng có sự tiến bộ gì hơn so với hệ thống pháp luật hiện hành".

Chủ tịch VCCI dẫn chứng, có những vấn đề quản lý mặc dù liên quan tới ngoại thương, nhưng mang tính đặc thù, đã được quy định ổn định trong các văn bản khác, nhưng lại được thiết kế vào luật này, vừa khiến hệ thống pháp luật cồng kềnh (thêm quy định), vừa giăng thêm lưới quản lý, các bộ khác quản rồi, giờ thêm Bộ Công Thương lại quản nữa, nghĩa là “quản chồng lên quản”.

Ví dụ, quy định về hàng tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, cửa khẩu xuất khẩu - nhập khẩu... lâu nay vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh pháp luật hải quan và cơ quan hải quan vẫn kiểm soát có hiệu quả. Giờ lại quy định vào luật này thì sẽ vừa cồng kềnh vừa làm phát sinh thêm giấy phép mới như giấy phép tạm nhập tái xuất, giấy phép quá cảnh do Bộ Công Thương cấp.

Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc ( tỉnh Thái Bình)

Mặt khác, có những vấn đề không chỉ liên quan tới ngoại thương, mà còn liên quan tới rất nhiều lĩnh vực khác, quy định vào luật này lại thành ra xé lẻ cơ chế quản lý, làm giảm hiệu quả chung.

Ông Lộc nếu ví dụ, quy định về giải quyết tranh chấp về biện pháp quản lý ngoại thương (giải quyết tranh chấp cấp Chính phủ) như thuế nội địa, phân biệt đối xử trong thương mại, biện pháp đầu tư, sở hữu trí tuệ... Nếu quy định như Luật này thì cứ mỗi một lĩnh vực lại phải quy định một cơ chế giải quyết tranh chấp riêng là rất không hợp lý!

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đặt vấn đề về quản lý kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Theo đó, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 1/3 tổng lượng hàng hóa và thời gian kiểm tra chuyên ngành chiếm tới hơn 70% thời gian thông quan.

Đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, lẽ ra Luật này phải đặt ra được các nguyên tắc cốt lõi, chi tiết, làm khung khổ để thống nhất hoạt động của các Bộ, làm công cụ tổng lực để giải quyết rốt ráo, có hệ thống vấn đề kiểm tra chuyên ngành đang rất nan giải hiện nay. Nhưng, dự thảo Luật lại quy định rất chung chung và trao quyền ưu tiên quy định cho pháp luật chuyên ngành và cho các bộ chuyên ngành, như vậy là chưa ổn.

Hơn nữa, với việc dự thảo luật trao quyền quyết định cho Bộ Công Thương trong rất nhiều trường hợp nhưng trao quyền mà không kèm theo bất kỳ căn cứ hay tiêu chí nào, ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ lo ngại điều này rất có thể dẫn tới sự lạm quyền.

Đồng thời, dự thảo lại "đẻ" ra nhiều loại giấy phép mới mà không kèm theo bất kỳ quy định nào về điều kiện, căn cứ cấp phép (chỉ quy định duy nhất về cơ quan có thẩm quyền cấp phép là Bộ Công Thương), theo ông Lộc, như vậy là không minh bạch!

Đồng ý kiến với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Bùi Văn Xuyền cũng cho rằng, “việc ban hành Luật này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) kiến nghị, dự thảo luật cần bao quát được các qui định cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO; khắc phục nội dung còn chung chung trong Luật Thương mại.

“Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định tối đa trong luật để khi luật được ban hành thì đi vào cuộc sống, tránh luật khung, luật ống”, ông Thắng nói.

Còn theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (tỉnh An Giang), việc quản lý ngoại thương trên thực tế hiện còn nhiều bất cập, việc kiểm soát xuất xứ hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc chưa chặt chẽ.

Vị đại biểu này đề nghị, Dự luật phải được xây dựng dựa trên thực tiễn và cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, phải là công cụ phòng vệ thương mại có tác động đến thị trường, kiểm soát được thâm hụt thương mại hàng hóa, giúp người dân không phải tiêu dùng hàng hóa độc hại, giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh lành mạnh…

Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về kiểm soát dịch vụ do giá trị gia tăng ngày càng lớn, trong khi cơ chế kiểm soát hiện lỏng lẻo.

“Doanh thu phát sinh tại Việt Nam cho dịch vụ phần mềm xuất khẩu qua biên giới khiến chúng ta thất thu khoản thuế không nhỏ. Do đó, rất cần quy định kiểm soát hoạt động dịch vụ tương tự”, ông Nghĩa nêu ví dụ.

Xây dựng Luật trên nguyên tắc tránh lạm dụng quyền lực

Giải đáp những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, trong phần giải trình chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là một luật rất quan trọng để điều chỉnh các hoạt động về thương mại quốc gia, giữa chủ thể là Nhà nước với Nhà nước và Nhà nước với các tổ chức doanh nghiệp của nước ngoài, cũng như doanh nghiệp trong nước. Luật sẽ không điều chỉnh và mở rộng sang những phạm vi nội hàm khác đã được điều chỉnh cũng như đã được nêu cụ thể trong các Luật thương mại năm 2005 cũng như các luật khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Vì trên thực tế những phạm vi này rất rộng và cũng đang có kế hoạch tiếp tục xây dựng luật mới để thay thế cho Luật thương mại năm 2005, bảo đảm độ bao phủ cũng như điều chỉnh cho tất cả những hoạt động khác liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa và thương mại dịch vụ cũng như các lĩnh vực khác.

Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, quan điểm của Chính phủ là tạo một môi trường hướng tới doanh nghiệp để phục vụ cho phát triển của doanh nghiệp không mâu thuẫn với tên của Luật Quản lý ngoại thương.

Về hiện đại hóa công tác quản lý nhà nước và thủ tục hành chính, trước nhiều ý kiến của các đại biểu về việc làm để áp dụng các công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến để thực hiện tốt các biện pháp quản lý và các thủ tục hành chính đối với hoạt động ngoại thương, tránh sự lạm dụng cũng như có sự trục lợi trong các chính sách quản lý của nhà nước và trong thẩm quyền cũng như quyền lực của các cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Công thương tiếp thu và sẽ tiếp tục cụ thể hóa không chỉ trong văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện luật này mà còn thể hiện ngay trong những nội dung, nội hàm lớn của những văn bản luật này trong kỳ báo cáo với Quốc hội lần sau.

Đối với một số vấn đề liên quan đến giải thích từ ngữ, Bộ trưởng cho biết, có quá nhiều khái niệm chuyên ngành, không đơn giản mà liên quan đến rất nhiều nội hàm khác. Vì vậy, khi luật đi vào thực tiễn có thể gây ra hiểu biết không đầy đủ, không hoàn thiện, gây khó khăn cho các cơ quan chấp hành pháp luật. Cho nên cần phải bổ sung các phần định nghĩa và giải thích rõ tất cả các khái niệm, các nội hàm cần thiết có liên quan đến những khái niệm đó và sẽ trình bày cụ thể với Quốc hội trong các kỳ làm việc sau.

Về một số vấn đề liên quan đến quyền tự do kinh doanh xuất - nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào các nội dung của các điều khoản quy định thương nhân phải được quy định theo hướng hiện diện rõ hơn và kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các đối tượng này, tránh tác động xấu đến hoạt động thương mại lành mạnh của nền kinh tế cũng như tránh phân biệt đối xử giữa các loại thương nhân với nhau và coi đây là một nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương.

Về các biện pháp cấm, tạm ngừng xuất - nhập khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định về biện pháp cấm, tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu là không vi phạm với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới cũng như các khuôn khổ hội nhập mà nước ta đã tham gia.

Đây là thẩm quyền của nhà nước, cần phải tổ chức thực hiện để đảm bảo lợi ích của nhà nước, lợi ích của phát triển kinh tế - xã hội cũng như lợi ích của doanh nghiệp trong hội nhập, bảo hộ trong những vấn đề khu vực trong nước, nhưng tất nhiên phải có nguyên tắc và có những lý do xác đáng.

Vì vậy, Bộ trưởng cho biết, sẽ làm rõ hơn nữa, phân biệt rõ hơn nữa sự khác biệt giữa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu và nhập khẩu cũng như các biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, để trong dự Luật phải nêu một cách cụ thể minh bạch công khai những nguyên tắc này để các văn bản dưới luật cũng như văn bản hướng dẫn được thực hiện có đủ cơ sở, đồng thời tránh được tình trạng có thể lạm dụng, lợi dụng về cơ chế quyền lực, tập trung vào các cơ quan quản lý nhà nước.

Một số biện pháp liên quan đến hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu trong đó kể cả hạn ngạch thuế quan rồi chỉ định cửa khẩu, chỉ định thương nhân xuất - nhập khẩu, các biện pháp quản lý theo giấy phép điều kiện theo tinh thần nguyên tắc như nêu trên, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp thu bằng các văn bản mà các đại biểu Quốc hội đã nêu trong các cuộc họp của tổ cũng như tại hội trường.

Đồng thời, Bộ sẽ làm rõ tất cả những nội dung nội hàm này mà các đại biểu đã nêu và sẽ có phương án cụ thể để tiếp thu và trên cơ sở vẫn phù hợp với các hội nhập, phù hợp với nguyên tắc chỉ đạo trong xây dựng Hiến pháp cũng như định hướng trong xây dựng nhà nước pháp quyền. Đặc biệt là phù hợp với những thực tiễn trong giai đoạn sắp tới đây khi Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các quy định thương mại tự do mới mà chúng ta đang tham gia./.