“Xóa sổ” 25 công ty đa cấp

Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã “xóa sổ” tới 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015.

Trong số 25 doanh nghiệp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.

Hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng trong thời gian qua

6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ hoạt động bán hàng đa cấp đạt khoảng 4.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp nước ngoài là khoảng 1.800 tỷ đồng (chiếm 45% thị phần, doanh thu của các doanh nghiệp trong nước là khoảng 2.200 tỷ đồng (chiếm 55% thị phần). Các doanh nghiệp đã tiến hành chi trả tiền hoa hồng và các lợi ích kinh tế khác với số tiền gần 712 tỷ đồng cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đang hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng 500.000 người (giảm 57% so với cùng kỳ năm 2015 (1.162.000 người). Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã nộp các loại thuế với tổng số tiền là 452.493.748.000 đồng.

Hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp chủ yếu là: thực phẩm chức năng (51,27%), mỹ phẩm (31.65%), đồ gia dụng (12.33%).

Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Các vi phạm phổ biến, gồm: vi phạm của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; vi phạm của các doanh nghiệp tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; vi phạm của các doanh nghiệp không bán hàng theo phương thức đa cấp mà sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính.

Đối với 2 trường hợp sau, do pháp luật đã cấm nên có thể coi là tội phạm và phải bị xem xét xử lý hình sự. Trên thực tế, nhiều sai phạm theo hình thức này đã bị các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, xử lý hình sự, như: các vụ việc Golden Rock, Colony Invest, Diamond Holiday, MB24, Tâm mặt trời…

Những hành vi nào bị cấm trong kinh doanh đa cấp?

Vì vậy, để tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai công tác xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016, đầu năm 2017.

Theo đó, Dự thảo nêu rõ hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chỉ được thực hiện đối với hàng hóa. Mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan đến việc lưu hành và điều kiện kinh doanh hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Những tài sản, hàng hóa sau không được kinh doanh theo phương thức đa cấp: Hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, danh mục hàng hóa hạn chế kinh doanh, cấm lưu thông; hàng hóa là thuốc, trang thiết bị y tế, các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản), thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; các loại hóa chất nguy hiểm và sản phẩm có hóa chất nguy hiểm theo quy định của pháp luật; sản phẩm nội dung số và tài sản được tạo ra trong các chương trình phần mềm máy tính.

Dự thảo cũng quy định cụ thể những hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, cấm doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi: Yêu cầu phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để trở thành người tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu phải mua một số lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để trở thành người tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó; từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng.

Đồng thời cấm cản trở người tham gia bán hàng đa cấp trả lại hàng hóa theo quy định; cung cấp thông tin sai lệch về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong tài liệu, hội nghị, hội thảo, đào tạo của doanh nghiệp…

Theo Dự thảo, cấm người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện những hành vi sau đây: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc trả một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; lôi kéo, dụ dỗ, mua chuộc người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp khác tham gia vào mạng lưới của doanh nghiệp mà mình đang tham gia; lợi dụng chức vụ, quyền hạn, địa vị xã hội, nghề nghiệp để yêu cầu người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng đa cấp hoặc mua hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp…

Ngoài ra, tổ chức đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp phải đáp ứng các điều kiện: Là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam theo quy định; có mẫu hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng, chương trình đào tạo cơ bản rõ ràng, minh bạch và phù hợp với quy định của Nghị định này; có hệ thống công nghệ thông tin quản lý mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp; có trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin về doanh nghiệp và hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp; có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải ký kết hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp bằng văn bản với người tham gia bán hàng đa cấp.

Kế hoạch trả thưởng phải đáp ứng các yêu cầu: Không quá 10 cấp, danh hiệu người tham gia bán hàng đa cấp; quy định rõ điều kiện đạt được, hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác chi trả từng cấp, danh hiệu người tham gia bán hàng đa cấp.

Giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác dành cho hoạt động trực tiếp tiếp thị, bán hàng của người tham gia bán hàng đa cấp không thấp hơn 50% tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác của doanh nghiệp bán hàng đa cấp./.