Theo Tổng cục Hải quan, cả nước đã chi hơn 7,6 tỷ USD nhập khẩu 17,65 triệu tấn sắt, thép các loại. Trong đó, phôi thép chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, khoảng hơn 1 triệu tấn, đạt giá trị 320 triệu USD. Ngoài ra, nhập khẩu nhóm sản phẩm từ sắt, thép cũng tăng mạnh đạt 2,8 tỷ USD.

Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu các nhóm mặt hàng sắt thép đã vượt 10,4 tỷ USD. Với con số này, sắt thép là nhóm nhập khẩu lớn thứ 3 trong cơ cấu hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam.

Việt Nam đang trong tình trạng nhập siêu sắt thép

Trong khi ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu được 3,2 triệu tấn thép, trị giá 1,8 tỷ USD. Nhóm sản phẩm từ sắt thép xuất khẩu được 1,88 tỷ USD. Tổng cộng, kim ngạch xuất khẩu sắt thép đạt khoảng 3,7 tỷ USD.

Như vậy, cả nước nhập siêu 6,7 tỷ USD trong ngành thép. Tổng cục Hải quan cho biết, hiện nhập khẩu thép có xu hướng giảm cả số lượng và giá về cuối năm.

Trung Quốc hiện là nước dẫn đầu về khối lượng xuất khẩu thép vào Việt Nam với gần 10 triệu tấn, tăng 18% so với cùng kỳ. Thứ hai là Nhật Bản với 2,4 triệu tấn, tăng 7%; Thứ ba là Hàn Quốc đạt 1,69 triệu tấn, tăng 6,5% so với cùng kỳ.

Nhằm ngăn chặn khối lượng phôi thép, thép dài nhập khẩu đã tăng mạnh cả về mặt tuyệt đối và tương đối trong thời gian gần đây, trong khi các doanh nghiệp sản xuất 2 mặt hàng này trong nước hoàn toàn có khả năng đáp ứng một nửa nhu cầu của thị trường, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành liên tiếp các biện pháp tự vệ tạm thời.

Cụ thể: ngày 07/03/2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự về lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Theo đó, việc áp dụng biện pháp tự vệ đã có tác dụng lên ngành sản xuất thép trong nước nói chung, đặc biệt là ngành sản xuất phôi thép.

Sau đó, ngày 18/07/2016, Bộ Công Thương đã ban hành tiếp Quyết định số 2968/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với phôi thép và thép dài.

Cụ thể, mặt hàng nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Mức thuế suất nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ là 21,3% trong vòng một năm, từ 22/03/2017 đến 21/03/2018. Mức thuế này sẽ lần lượt giảm về 19,3% và 17,3% vào các năm tiếp theo và từ 22/03/2020 trở đi, thuế suất sẽ là 0%.

Đối với mặt hàng thép dài, thuế tự vệ chính thức năm đầu tiên sẽ là 15,4% kể từ ngày 02/08/2016.

Từ 22/03/2017 đến 21/03/2018 mức thuế giảm về 13,9%; các năm tiếp theo thuế suất lần lượt là 12,4% và 10,9%.

Nếu cơ quan quản lý không gia hạn thì mức thuế suất sẽ giảm về 0% từ 22/03/2020 trở đi.

Quá trình rà soát điều chỉnh Quy hoạch ngành thép Việt Nam của Bộ Công Thương cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn./.