4 yếu tố đầu vào của sản xuất điện liên tục tăng

Ngày 03/01/2017, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này cho biết, khả năng chi phí sản xuất điện của EVN sẽ có thể tăng thêm khoảng 5.000 tỷ đồng trong năm 2017 do giá bán than cho điện tăng 7% từ cuối tháng 12/2016.

EVN cho biết, mặc dù năm 2016, doanh thu đạt hơn 264.680 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2015, nhưng năm 2017, EVN sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước hết, do yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất điện đã tăng liên tục từ năm 2015, song chưa được đưa vào cân đối giá điện hiện hành bao gồm: biến động tỷ giá, giá than, khí cho sản xuất điện, thuế tài nguyên nước, chi phí môi trường rừng.

Theo dự tính của EVN, với việc giá than tăng khoảng 7% sẽ làm đội chi phí sản xuất điện lên 4.692 tỷ đồng trong năm 2017, tiếp tục đặt ra nhiều khó khăn cho Tập đoàn trong việc thu xếp cân đối đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư và sản xuất.

Bên cạnh đó, sản lượng điện sản xuất của EVN còn hạn chế, mới chỉ chiếm khoảng 43,5% nên việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN.

Nhiều yếu tố đang gây nên áp lực cho giá điện năm 2017

EVN đồng thời cho biết, năm 2016, EVN phải huy động nguồn nhiệt điện chạy dầu giá cao, tới 1,185 tỷ kWh, tăng 1,9 lần so với kế hoạch. Nguồn điện này thường có giá gấp 3-4 lần so với các nguồn nhiệt điện than, thuỷ điện. Lý do là bởi việc phân bổ nguồn điện hiện nay trong hệ thống điện quốc gia vẫn chưa cân bằng giữa các vùng, miền, thời tiết lại bất lời nên cơ cấu nguồn điện phải huy động trở nên bất lợi hơn so với kế hoạch đề ra.

Thách thức về một cơ cấu nguồn điện bất lợi như vậy sẽ còn kéo dài sang năm 2017, với dự kiến EVN phải huy động 2,2 tỷ kWh từ các nhà máy chạy dầu, để cấp điện cho miền Nam. Điều này sẽ càng gây áp lực lớn lên tài chính của EVN.

Chưa kể, cũng trong năm 2016, nhiều đợt bão lũ xảy ra, gây hư hỏng nặng cho các công trình điện, khiến Tập đoàn này thiệt hại lên tới 350 tỷ đồng.

Không chỉ vấn đề tài chính, việc đảm bảo cung - cầu điện của EVN trong năm 2017 còn gặp khó bởi các cơ chế về đầu tư nguồn điện.

Hiện nay, lượng điện sản xuất của của EVN chỉ còn chiếm khoảng 43,5%, nghĩa là không còn vị thế độc quyền phát điện.

Do đó việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, theo ông An, sẽ phụ thuộc lớn vào các nhà máy điện ngoài EVN. Ngoài ra, đây còn là câu chuyện của cơ chế đảm bảo nhiên liệu cho phát điện, nhất là đảm bảo cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ sau khi nhà máy xử lý khí GPP Cà Mau đưa vào vận hành (từ tháng 4/2017). Kế hoạch này sẽ dẫn tới giảm khí cho phát điện tương đương 600 triệu kWh.

Ngoài ra, EVN cũng cho biết, việc thu xếp vốn đầu tư các dự án điện gặp nhiều khó khăn do Chính phủ hạn chế việc bảo lãnh vay vốn, Tập đoàn và các đơn vị đã vượt qua ngưỡng hạn chế vay theo quy định hiện hành.

Do vậy, lãnh đạo Tập đoàn này đưa ra nhiều kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó tình hình trên.

Trong đó, đáng chú nhất, Tập đoàn cũng kiến nghị, Bộ Tài chính cho phép EVN được hạch toán vào chi phí giá thành sản xuất của đơn vị ở phần lớn kinh phí giải quyết các khoản trợ cấp, ngoài trợ cấp mất việc làm và chế độ hỗ trợ theo số năm công tác của người lao động. Đây là các khoản theo Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế và có xét tới những đặc thù của ngành điện. EVN dự kiến hỗ trợ cho mỗi người lao động thuộc đối tượng của Nghị định này là 1 tháng lương cơ sở với 1 năm công tác.

Thực tế, giá điện thấp cũng được ông Đỗ Đức Quân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định tại Hội nghị tổng kết 05 năm triển khai thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào ngày 16/12/2016.

Theo ông Quân, hiện nay giá năng lượng của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và thế giới. Cụ thể, giá bán lẻ điện hiện nay là 1.622 đồng/kWh, tương đương 7,31 cent/kWh. Trong khi đó, Trung Quốc là 10,04 cent/kWh, Thái Lan 11,81 cent/kWh, Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia 6,72 cent/kWh, do nước này còn duy trì cơ chế bao cấp giá năng lượng.

Trên cơ sở đó, ông Đỗ Đức Quân kiến nghị cần điều chỉnh giá điện hợp lý trong thời gian tới, đặc biệt giảm dần việc trợ giá, bù giá chéo trong biểu giá bán lẻ điện. Bên cạnh đó, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ngoài ra, cần quy định trách nhiệm giám sát, đánh giá và báo cáo của người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Các chuyên gia nói gì?

Trước tình hình như trên của EVN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2017 sẽ phải điều chỉnh tăng giá điện để cân đối chi phí cũng như có nguồn vốn để phát triển nguồn và lưới điện.

Dự báo về giá điện năm 2017, trao đổi với báo điện tử VietnamNet, GS. Trần Đình Long, Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Tổng công ty Điện lực Việt Nam, cho rằng, giá điện năm 2017 sẽ tăng, không thể giảm, bởi vì giá năng lượng trên thế giới đang có xu hướng tăng, còn tăng lên bao nhiêu thì khó dự đoán vì còn nhiều yếu tố đầu vào sẽ quyết định giá điện.

Ví dụ, than sẽ tăng thêm bao nhiêu, tỷ giá hối đoái giữa đồng tiền Việt Nam với các loại ngoại tệ mà doanh nghiệp vay để xây dựng các dự án sẽ biến thiên thế nào... Ngoài ra còn có một yếu tố quyết định khác cho giá điện năm 2017 là tình hình lạm phát trong nước.

Năm 2011, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần.

Năm 2012, giá bán điện bình quân được điều chỉnh 2 lần, mỗi lần tăng thêm 5%.

Năm 2013, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng thêm 5%. Năm 2014, giá điện bình quân này được giữ ổn định.

Năm 2015, giá bán điện tăng một lần.

Điều đáng nói, cũng giống như năm 2016, các yếu tố tác động đến đầu vào của ngành điện như giá than, khí, biến động về tỷ giá, điệp khúc bù lỗ đều là lý do được EVN nêu ra trước áp lực tăng giá điện.

Mặc dù, năm 2016, EVN không kiến nghị tăng giá điện nhưng chính Tập đoàn này không ít lần lưu ý, tăng trưởng tiêu thụ điện đang ở mức 12% - 13%/năm, nên áp lực đầu tư cho ngành điện rất lớn và tạo sức ép tăng giá điện cũng rất lớn.

Chia sẻ với báo giới, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) dự báo, giá điện năm 2017 sẽ tăng bởi vì nhiệt điện than của Việt Nam hiện nay rất nhiều, trong khi giá than sắp tới sẽ tăng nên nguyên liệu đầu vào tăng lên, chi phí này đươc tính vào giá điện.

Cùng với đó, chuyên gia này cũng cho biết, tình hình ngân sách hiện tại không khả quan, năm qua EVN lại báo lỗ nên việc tăng giá hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vấn đề là sẽ tăng ở mức nào để cho hợp lý, tránh gây ồn ào trong dư luận.

“Quan trọng là EVN phải công khai, minh bạch hơn nữa các chi phí đầu vào, chứ lâu nay việc này chưa được giải trình rõ ràng, Bộ Công Thương phải kiểm tra kỹ. Ngành điện cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tái cơ cấu. Sắp tới cần phải có lộ trình đầu tư sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như gió, năng lượng mặt trời… chứ tập trung vào nhiệt điện than rất tốn kém, ô nhiễm môi trường”, TS Lưu Bích Hồ nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng, cần phải tiết kiệm năng lượng, tránh tình trạng lãng phí. Hiện nay Việt Nam cứ tăng được 1% GDP thì tăng tới 4% điện, các nước trên thế giới thì 1% GDP chỉ tăng từ 1%-2% điện.

Có chung nhận định, PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng nhận định năm 2017 giá điện sẽ tăng, thậm chí tăng kịch mức cho phép do ngành điện được quyền tăng giá nên không dại gì không tăng. Cùng với đó, EVN đang báo lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng vì lỗ tỷ giá vừa qua nên để bù đắp sẽ phải tăng giá điện./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vtv.vn/trong-nuoc/gia-tang-ty-trong-nhiet-dien-than-se-day-gia-dien-tang-cao-20161129192956586.htm

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/kich-ban-tang-gia-dien-2017-cua-evn-bon-cu-soan-lai-3326711/

http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/thi-truong/doi-chi-phi-them-4-600-ty-tai-chinh-nganh-dien-lai-gap-kho-349954.html