Thương hiệu du lịch còn mờ nhạt

Tại Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 diễn ra ngày 16/04/2016, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, thương hiệu là vấn đề vô cùng quan trọng đối với du lịch Việt Nam khi hội nhập và trong cạnh tranh.

Thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh của điểm đến du lịch trong nhận thức của các thị trường mục tiêu; thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Ngành du lịch Việt Nam cũng đã xác định, phát triển thương hiệu, trước hết là thương hiệu quốc gia, điểm đến quốc gia, vùng, địa phương, điểm đến, sản phẩm…

Theo đó, việc xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu phải thực hiện được mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò, yêu cầu, các biện pháp phát triển thương hiệu; phải đánh giá, kiểm soát được hình ảnh thương hiệu; nhận thức về phát triển thương hiệu phải thống nhất; quản lý phát triển thương hiệu phải triển khai chuyên nghiệp, đồng bộ.

“Mục tiêu mà ngành du lịch Việt Nam đặt ra là đến năm 2025, thương hiệu du lịch Việt Nam phải được nhận diện rõ nét tại các thị trường trọng điểm”, ông Siêu cho biết.

Tuy nhiên, con đường để thực hiện mục tiêu đó còn rất dài và khó khăn.

Thương hiệu du lịch quốc gia Việt Nam được đánh giá là còn khá mờ nhạt

Tại buổi lễ công bố các doanh nghiệp đạt thương hiệu quốc gia năm 2014, trong 63 thương hiệu quốc gia được công nhận, chỉ có 2 thương hiệu liên quan đến du lịch. Tương tự, đến năm 2016, cũng chỉ có 2/88 thương hiệu liên quan đến lĩnh vực này được công nhận.

Thực trạng cho thấy, các địa phương ở Việt Nam tuy nhiều tiềm năng về du lịch, nhưng mới chỉ khai thác ở dạng thô, chứ chưa đầu tư nhiều vào những tiềm năng này.

Việc dễ làm nhất là việc giới thiệu nông sản của địa phương, điểm đến du lịch của địa phương trên mạng, nhưng có ít địa phương thực hiện được.

Tại Diễn đàn Thương hiệu Quốc gia với sản phẩm địa phương tổ chức ngày 13/07/2016, theo PGS,TS. Nguyễn Quốc Thịnh, chuyên gia Ban tư vấn Chương trình Thương hiệu quốc gia, mỗi chuyến đi du lịch của ông khá vất vả khi tìm kiếm thông tin trên mạng khó khăn.

Ông Thịnh chia sẻ, khi tra danh sách nhà nghỉ ở Hà Giang, toàn là số cố định, nhưng khi gọi, thì không có ai nghe máy. Giới thiệu món ăn cũng chỉ những món nhàm chán, như: xúc xích nướng, thịt hun khói... như vậy làm sao quảng bá được, làm sao hấp dẫn khách đến được?

Đánh giá hoạt động quảng bá, xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam hiện nay, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc này còn rất mờ nhạt. Chia sẻ tại Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Tổng giám đốc truyền thông Tập đoàn Truyền thông Lê – LeBros, ông Lê Quốc Vinh cho biết, trong một video clip quảng bá về hình ảnh du lịch Thái Lan, người Thái đã biết đưa cảm xúc làm điểm nhấn của sản phẩm tuyên truyền này để nói lên trải nghiệm của khách hàng. Đây chính là cách truyền thông mới để quảng bá du lịch mà nhiều nước đang hướng tới. Trong khi đó, việc quảng bá du lịch Việt đang mắc khá nhiều sai lầm.

Ông Vinh cho biết: “Thứ nhất, du lịch Việt đang dùng một phương thức quảng bá truyền thông cũ kỹ của những năm 80-90 thế kỷ trước và vẫn mải miết là theo phương thức đó. Thứ hai, quảng bá du lịch không trọng tâm. Thông điệp quảng bá chung chung, không rõ ràng, không có điểm nổi bật khác biệt so với các quốc gia khu vực và lân cận. Thứ ba, nội dung đang làm hời hợt, không đi vào giá trị cốt lõi mà du lịch Việt Nam có thể có”.

Trong khi đó, PGS,TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, quảng bá du lịch Việt Nam hiện đang đưa tới quá nhiều thông điệp cho khách hàng. Cách tuyên truyền về mảng này đang ở tình trạng tham hình ảnh, thông tin, thể hiện ở việc “nhồi” quá nhiều cảnh đẹp, văn hóa, hình ảnh ẩm thực vào cùng một video tuyên truyền.

Phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp

Vì vậy, hiến kế cho hoạt động xây dựng thương hiệu du lịch Việt, ông Lê Quốc Vinh đề xuất, để xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam cần tập trung được vào 2 yếu tố đó là: sự nổi trội, và cảm xúc của thương hiệu. Đó là việc xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam nên theo hướng tác động đến cảm xúc của du khách, từ đó để lại ấn tượng sâu sắc.

Trong khi đó, PGS, TS. Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, chương trình thương hiệu quốc gia phải có phương thức hỗ trợ các địa phương trong chừng mực nhất định, để nâng cao trình độ tạo dựng điểm đến du lịch, từ đó phát triển sản phẩm đặc trưng vùng miền, tạo thương hiệu sản phẩm của từng vùng miền.

Ông cũng lưu ý thêm, các địa phương cần phải khai thác tài sản trí tuệ địa phương, tri thức truyền thống bản địa, làm sao để thương mại hoá được chúng, để biến những bài thuốc tắm người Dao, những phương thuốc dân gian thành sản phẩm thực sự.

Ngoài ra, cần phải khai thác được những chỉ dẫn địa lý, gắn liền sản phẩm với từng địa phương, để Lục Ngạn thành thương hiệu cho quả vải, để Cao Phong trở thành thương hiệu cho những trái cam.

Một trong những cách thức dễ dàng để thế giới biết đến Việt Nam, thương hiệu Việt, theo ông Thịnh, chính là xây dựng thương hiệu các điểm đến du lịch và gắn kết sản phẩm với những điểm đến đó.

Những điểm đến du lịch sẽ góp phần gia tăng độ nhận biết thương hiệu và tạo cảm nhận nhanh nhất, đầy đủ nhất về đất nước con người của một quốc gia. Là cơ hội khai thác đa dạng tài nguyên, nguồn lực với gia trị gia tăng cao cũng như là phương thức nhanh chóng, dễ dàng.

Chia sẻ tại Hội thảo Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, thương hiệu điểm đến du lịch là hình ảnh thể hiện giá trị cốt lõi, thuộc tính và sự khác biệt của điểm đến du lịch so với các điểm đến du lịch khác. Thời gian tới, ngành du lịch sẽ hướng tới việc đánh giá và đo lượng, kiểm soát hình ảnh thương hiệu du lịch thông qua việc duy trì và cải thiện xếp hạng của du lịch Việt Nam trên các hệ thống đánh giá độc lập, có uy tín.

Ngoài ra, ông Lê Tuấn Anh cho biết thêm, Việt Nam cũng sẽ tập trung phát triển một số thương hiệu điểm đến du lịch nổi bật, chất lượng cao. Cụ thể, về du lịch văn hóa: Hà Nội, Hội An. Du lịch biển đảo là: Hạ Long, Phú Quốc, Nam Trung bộ; Du lịch thiên nhiên: Miền núi Phía Bắc; Phong Nha - Kẻ Bàng, đồng bằng sông Cửu Long…

Ngày 10/01/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng khắc phục hạn chế, nâng cao hình ảnh, thương hiệu du lịch quốc gia.

Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian qua, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, thường xuyên cập nhật, đổi mới các cơ chế chính sách cho phát triển du lịch, nhưng việc tổ chức thực hiện, của cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp, người làm du lịch chưa quyết liệt, hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự cộng hưởng, lan tỏa, tạo động lực phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam.

Vì vậy, để thúc đẩy du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Nhà nước về Du lịch thống nhất giao các bộ, ngành, địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về du lịch và kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở Trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện, trực tiếp về công tác quản lý hoạt động du lịch trong cả nước và ở địa phương.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tích cực, chủ động tham gia Kế hoạch chỉ đạo phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương kiên quyết xử lý không để tiếp diễn các hành vi xâm hại khách du lịch, tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức văn minh lịch sự, khuyến khích người dân tham gia bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Nang-cao-thuong-hieu-du-lich-quoc-gia/296398.vgp

http://baodautu.vn/thuong-hieu-du-lich-quoc-gia-se-gan-cung-thuong-hieu-doanh-nghiep-d39269.html

http://www.vietnamtourism.com/index.php/news/items/16671