Theo cơ quan thống kê, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng giá. Trong đó, giao thông tăng cao nhất, với 3,21%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,01%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,78%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57%...

Nhu cầu đi lại vào dịp Tết khiến nhóm giao thông trong rổ tính CPI tháng 01 tăng cao nhất

Trong khi đó, có hai nhóm hàng giảm giá là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,24%; bưu chính và viễn thông - giảm 0,15%.

Theo phân tích của Tổng cục Thống kê, do nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, nên giá một số mặt hàng về lương thực, đồ uống, may mặc tăng cao hơn tháng trước.

Trong đó, chỉ số giá lương thực tháng tăng 0,47% so với tháng 12/2016 do nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị Tết Nguyên đán và có tín hiệu tích cực về tình hình xuất khẩu gạo năm 2017, bản thỏa thuận thương mại về xuất khẩu gạo giữa Việt Nam và Philippines vừa được gia hạn. Cụ thể, Việt Nam sẽ cung cấp 1,5 triệu tấn/năm, nên giá gạo trong nước tăng hơn so tháng trước; đồng thời, do nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết nên giá đồ uống các loại đều tăng.

Bên cạnh đó, việc giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở một số quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh, nên chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế tăng 1,3% so với tháng trước.

Việc giá xăng dầu bị ảnh hưởng từ đợt điều chỉnh tăng vào ngày 20/12/2016, ngày 04/01/2017 và ngày 19/01/2017 cũng làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 6,41% so với tháng trước, góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,27%.

Nhu cầu đi lại cuối năm tăng cùng với giá xăng dầu tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng cũng tăng 1,05% so tháng trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2017 tăng 0,28% so với tháng trước, tăng 1,88% so với cùng kỳ.

Trong tháng 1/2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Theo Tổng cục Thống kê, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Trong khi đó, lạm phát cơ bản tháng 01/2017 so cùng kỳ ở mức dưới 2% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Như vậy, CPI tháng 01/2017 có mức tăng khá cao so với các tháng gần đây. Tuy nhiên, nếu xét ở thời điểm “xen” giữa hai kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch, thì đây là mức tăng có thể chấp nhận được. Vào tháng 01 năm ngoái, CPI thậm chí còn không tăng so với tháng trước, còn tháng 01/2015, CPI còn giảm 0,2%. Tuy nhiên, hai năm vừa qua, Tết Âm lịch rơi vào tháng 02.

Trong khi đó, ở các năm có lạm phát cao, tháng 01/2008, CPI còn tăng tới 2,38%, còn tháng 01/2011 có mức tăng là 1,74%.

CPI tháng đầu năm 2017 có mức tăng nhẹ cũng đúng so với dự báo trước đó của một số cơ quan quản lý và thống kê giá, như: Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Tổng cục Thống kê.

Cũng trong tháng 01/2017, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới giảm chủ yếu do đồng USD tăng giá và quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12/2016. Ngoài ra, giá vàng còn sụt giảm do nhu cầu nhập khẩu từ những thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ.

Theo đó, bình quân giá vàng trong nước tháng 01 năm 2017 dao động quanh mức 3,34 triệu đồng/chỉ vàng SJC. Diễn biến tỷ giá trong nước khá ổn định do lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dồi dào đáp ứng đủ nhu cầu nhập khẩu của các doanh nghiệp nhập nguyên liệu phục vụ sản xuất cuối năm. Do đó, tỷ giá VND/USD tháng này gần như ổn định, xoay quanh ngưỡng 22.900 VND/USD.
Về chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2017, Tổng cục Thống kê dự báo sẽ tăng cao hơn ở mức tăng CPI tháng 01/2017 do giá xăng, dầu biến động theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, dịch vụ vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình tăng vào tháng Tết và ngày Rằm tháng Giêng…/.