Báo cáo về tình hình thương mại trong nước năm 2016 của Bộ Công Thương ngày 06/01/2017 cho biết, các doanh nghiệp FDI chiếm 70% thị phần bán lẻ qua cửa hàng tiện lợi; khoảng 17% thị phần qua trung tâm thương mại, siêu thị; 15% thị phần qua siêu thị mini và khoảng 50% thị phần không thông qua cửa hàng mà qua các hình thức bán hàng trực tuyến, truyền hình, điện thoại…

Cho dù con số thống kê chỉ ra rằng, thị phần bán lẻ qua trung tâm thương mại, siêu thị và siêu thị mini của các doanh nghiệp FDI chưa cao.

Nhưng trên thực tế, sự gia tăng hiện diện của các doanh nghiệp này tại các trung tâm thương mại, siêu thị (ở các thành phố lớn) là khá rõ ràng. Nhất là sau khi Tập đoàn bán lẻ Central Group mua lại chuỗi bán lẻ Big C, Tập đoàn TCC (Thái Lan) mua lại Metro Cash & Carry.

Ngoài ra, các tập đoàn, như: Lotte, Aeon… cũng tích cực mở rộng thị phần và đều có dự định tăng gấp 2-3 lần số cửa hàng trong vài năm tới qua việc mở từ hàng chục đến hàng trăm siêu thị hay trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Hàng loạt các doanh nghiệp FDI gia tăng sự hiện diện vào thị trường bán lẻ Việt Nam

Các doanh nghiệp ngoại ngày càng mở rộng thị phần đã không ngừng gia tăng sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp bán lẻ trong nước do sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu từ nước ngoài nhờ giá thành rẻ hơn, chất lượng và mẫu mã đa dạng hơn. Sức ép đó càng lớn khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài còn hướng đến các nhãn hàng riêng tại hệ thống siêu thị của mình, khiến cho thị phần của hàng hóa trong nước tại các siêu thị có vốn ngoại ngày càng thu hẹp.

Mối lo này đã được Chính phủ cảnh báo tại Thông báo số 71/TB-VPCP, ngày 10/02/2017 kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình, giải pháp quản lý, phát triển thị trường bán lẻ và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 23/2007/NĐ-CP.

Kết luận nêu rõ: “thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, có nhiều tiềm năng, được các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đặc biệt quan tâm; có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết, định hướng lĩnh vực sản xuất. Trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, lĩnh vực phân phối, bán lẻ luôn là lĩnh vực nhạy cảm và được mở cửa theo lộ trình và Việt Nam đã giữ được một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định”.

Thực tế công tác quản lý đối với thị trường phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước vừa qua cho thấy, nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về việc mở cửa thị trường còn chưa thực sự thống nhất; việc thực hiện thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) ở nhiều địa phương còn mang tính hình thức, chưa đánh giá kỹ lưỡng, thận trọng; việc kiểm soát chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp phân phối có vốn FDI chưa hiệu quả, chưa có các biện pháp hỗ trợ hợp lý để doanh nghiệp trong nước phát triển, mở rộng hệ thống phân phối trong nước.

Đó là chưa kể đến nguy cơ không kiểm soát được hàng hóa nhập khẩu do các hàng rào kỹ thuật không hiệu quả sẽ khiến Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ các sản phẩm chất lượng kém, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trước thực trạng trên, việc cấp bách tìm giải pháp để giữ được hệ thống bán lẻ lúc này là hết sức cần thiết, bởi hệ thống phân phối rất quan trọng, ai nắm được hệ thống phân phối thì người đó thắng.

Chính vì thế, tại Kết luận nói trên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu đồng loạt 4 bộ và các địa phương cùng vào cuộc để tìm giải pháp “cứu” ngành bán lẻ.

Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước phát triển; chấn chỉnh các địa phương tuân thủ theo đúng quy định liên quan của pháp luật trong cấp phép, quản lý hoạt động phân phối, bán lẻ cho doanh nghiệp FDI; đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

Bộ Tài chính tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở bán buôn, bán lẻ của nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài về thuế, giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá, trốn thuế và thực hiện truy thu thuế theo đúng quy định; chia sẻ kết quả thanh tra, kiểm tra để các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở xem xét, cấp phép doanh nghiệp FDI thành lập cơ sở bán lẻ mới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài" và "tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài" quy định tại Luật Đầu tư để quản lý được các nhà đầu tư, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam.

Bộ Tài chính nghiên cứu, xử lý đề nghị của Bộ Công Thương về việc xây dựng quy định cho phép doanh nghiệp trong nước được giãn tiến độ nộp tiền thuê đất trong trường hợp thuê đất để đầu tư xây dựng, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị.

Các địa phương liên quan quán triệt chủ trương hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và mạng lưới phân phối bán lẻ trong nước thông qua việc bố trí quỹ đất, mặt bằng dành cho hoạt động phân phối, nhất là đối với doanh nghiệp trong nước; quản lý chặt chẽ việc phát triển mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp FDI theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là việc áp dụng thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế.

Ngoài ra, trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này; đồng thời, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc triển khai thực hiện, nhất là đối với việc mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, bảo đảm phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ Luật Đầu tư và lộ trình, cam kết quốc tế; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu việc sửa đổi, bổ sung và giải trình làm rõ một số nội dung. Cụ thể, bổ sung nguyên tắc xem xét, cấp phép cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa hoặc hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, thực hiện quyền phân phối bán lẻ tại Việt Nam trong trường hợp chưa cam kết hoặc mở rộng hơn, nhanh hơn so với cam kết quốc tế theo hướng không nới lỏng hơn các điều kiện, mở rộng hơn, sớm hơn cam kết quốc tế; chỉ xem xét, cho phép vượt cam kết đối với trường hợp thật sự mang lại lợi ích đáng kể cho ta và quy định cụ thể các tiêu chí để đánh giá lợi ích này (như về việc làm, thu nhập cho người lao động, không tạo bất lợi đối với doanh nghiệp trong nước…).

Hạn chế tối đa việc xem xét, cấp phép cho cơ sở bán lẻ của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được bán lẻ những mặt hàng ta không cam kết. Việc xem xét, cấp phép cần gắn với việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có cam kết hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

Bổ sung quy định kiểm soát đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia thành lập, góp vốn, mua lại các tổ chức kinh tế hoạt động bán lẻ tại thị trường trong nước; bổ sung quy định về quản lý, thành lập cơ sở bán buôn hàng tiêu dùng./.