Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có kết quả báo cáo về công tác năm 2016 và phương hướng năm 2017. Theo Báo cáo, trong năm 2016, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp.

Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung nhiều vào nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế xuất cao, hàng tiêu dùng thiết yếu, như: ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, rượu ngoại, thuốc lá điếu ngoại, thực phẩm tươi sống, gia cầm, gia súc, hàng tiêu dùng các loại...

Hàng hóa vi phạm rất đa dạng, tập trung nhiều vào nhóm các mặt hàng cấm, hàng có thuế xuất cao, hàng tiêu dùng thiết yếu

Cụ thể: năm 2016, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng các cấp phát hiện, xử lý 223.262 vụ vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hành tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt 21.556,3 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.561 vụ/với 1.863 đối tượng.

Một số vụ đáng chú ý tại các tuyến biên giới, cửa khẩu hay cửa khẩu cảng biển như vụ kiểm tra, bắt giữ hơn 20 tấn thịt lợn bốc mùi hôi thối và 10 kg ma túy tổng hợp dạng đá tại Lạng Sơn; vụ bắt giữ 42.000 viên ma túy tổng hợp và 4 bánh heroin tại Quảng Trị.

Hay vụ bắt quả tang Công ty Cổ phân Dương Đông Hòa Phú, tỉnh Bình Thuận có hành vi gian lận trong khai báo nhập khẩu xăng dầu để trốn thuế đối với trên 9.173 tấn xăng Ron A92; phát hiện, xử lý hành vi mua bán trái phép 755.000 lít dầu D.O tại vùng biển Cà Mau…

Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tại thị trường nội địa, tình trạng buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển trái phép các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc; sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả vẫn còn xảy ra, đặc biệt là hai thành phố lớn là TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội.

Cụ thể, tại Hà Nội, một số vụ việc điển hình bị phát hiện và xử lý như 20 tấn phụ tùng xe máy giả, 80.000 bao thuốc lá lậu, 4 tấn ruốc gà không rõ nguồn gốc, gần 5 tấn thực phẩm đông lạnh đang trong giai đoạn bốc mùi hôi thối; vụ bắt giữ khoảng 50 kg hàng vô chủ nghi là sừng tê giác tại sân bay Quốc tế Nội Bài.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, cơ quan quản lý kiểm tra, tạm giữ 127,9 tấn bột ngọt các loại có dấu hiệu giả mạo về nguồn gốc hàng hóa. Trong tháng 10/2016, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các cơ quan liên quan liên tiếp phát hiện, bắt giữ 3 vụ buôn lậu sản phẩm của động vật hoang dã, tang vật thu giữ trên 3 tấn ngà voi và hàng trăm kg vẩy tê tê…

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng phát hiện, xử lý hàng chục tấn thịt lợn, mỡ động vật và nội tạng thối tại Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá…

Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng chỉ ra hạn chế, đó là hiệu quả công tác còn chưa tương xứng với tình hình thực tế, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn biến phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi.

Tình hình thuốc lá nhập lậu, phân bón giả, các mặt hàng không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán công khai ở nhiều nơi… Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, khu vực các cảng: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn diễn biến phức tạp… có tác động tiêu cực đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng.

Nguyên nhân của tình trạng này được Ban Chỉ đạo 389 chỉ ra là do, các yếu tố khách quan, như: địa hình, cơ chế chính sách, phương tiện. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ các nhóm buôn lậu xuyên quốc gia, kẽ hở của pháp luật, đời sống của nhân dân còn khó khăn. Đối phó với nhóm buôn lậu rất khó khăn, đã có nhiều cán bộ chiến sỹ phải đổ máu nhưng cũng có một bộ phận nhỏ bị mua chuộc, câu móc mà vi phạm pháp luật, bảo kê cho buôn lậu.

Bên cạnh đó, hiện nay, phương thức, thủ đoạn của đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi.

Trong khi đó, phương tiện kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ công tác đấu tranh chống hàng giả còn thiếu; có những bất cập, khe hở trong các quy định pháp luật, tạo điều kiện cho các đối tượng làm hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trong khi chế tài chưa đủ sức răn đe đã làm giảm hiệu quả của công tác đấu tranh…

Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, năm 2017, công cuộc đấu tranh chống buôn lậu cần mạnh mẽ hơn, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để có giải pháp khắc phục, nâng cao hiệu quả trong thời gian tới.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung phân tích tình hình, những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Phải xác định, chỉ rõ các địa bàn, mặt hàng trọng điểm, nhất là thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường cát, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống… để nhận diện cho được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, kể cả thủ đoạn chuyển giá để trốn thuế, các đối tượng chủ mưu cầm đầu, để có giải pháp ngăn chặn, triệt phá.

Đồng thời, rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật, sớm khắc phục các bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý, không để các đối tượng lợi dụng để buôn lậu, xem xét các chính sách như tạm nhập, tái xuất với một số mặt hàng. Nghiên cứu, thúc đẩy xã hội hoá công tác chống buôn lậu thông qua các hoạt động hỗ trợ từ phía các hiệp hội, ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để chống hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ…/.