Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa cả nước trong tháng 05/2017 ước tính nhập siêu 800 triệu USD.

Cụ thể là, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 05/2017 ước tính đạt 17,2 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,4 tỷ USD, giảm 3,7%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 05/2017 tăng 19,9%. Kim ngạch một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước gồm: Điện thoại và linh kiện tăng 31,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 47,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 43,1%.

Tính chung 05 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 79,3 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 22,1 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 57,2 tỷ USD, tăng 19%. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 16 tỷ USD, tăng 12%; hàng dệt may đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 9,4 tỷ USD, tăng 46,2%; giày, dép đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 5,1 tỷ USD, tăng 38,2%...

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 5 tháng đầu năm, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9,5%; Trung Quốc đạt 10,5 tỷ USD, tăng 40,3%; ASEAN đạt 8,6 tỷ USD, tăng 26%; Nhật Bản đạt 6,4 tỷ USD, tăng 16,6%; Hàn Quốc đạt 5,7 tỷ USD, tăng 34,4%.

Về mặt nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 05/2017 ước tính đạt 18,0 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng 8,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 10,9 tỷ USD, tăng 1%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu tháng 05/2017 tăng 23,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 31,5%.

Nhập khẩu để phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm 2016

Tính chung 05 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 82,0 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,4 tỷ USD, tăng 18,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,6 tỷ USD, tăng 27,5%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 14,9 tỷ USD, tăng 38,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,3 tỷ USD, tăng 27,5%; điện thoại và linh kiện đạt 5 tỷ USD, tăng 23,4%; sắt thép đạt 4,1 tỷ USD, tăng 36% (lượng giảm 10,8%); chất dẻo đạt 2,9 tỷ USD, tăng 25,5% (lượng tăng 13,5%)...

Như vậy, trong tháng 05/2016, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Đây sẽ là dấu hiệu cho thấy sản xuất được phục hồi trong thời gian tới. Song mặt khác, việc này cho thấy Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguyên – nhiên liệu nhập khẩu nên dù có xuất siêu đi nữa cũng không bền vững và nhập siêu có thể quay lại bất cứ lúc nào...

Trong 05 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 51,9%; ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, tăng 16,6%; Nhật Bản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,5%; EU đạt 4,6 tỷ USD, tăng 13,9%; Hoa Kỳ đạt 3,8 tỷ USD, tăng 22%.

Cán cân thương mại thực hiện tháng 04/2017 xuất siêu 186 triệu USD; tháng 05/2017 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 05 tháng đầu năm 2017 nhập siêu trên 2,7 tỷ USD, bằng 3,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,65 tỷ USD./.