Rau, quả nhập khẩu từ Thái Lan lên ngôi số 1 ở Việt Nam

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương (VITIC), kể từ tháng 6/2014, Thái Lan đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước cung cấp rau quả lớn nhất cho Việt Nam.

Cụ thể: 8 tháng năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu trên 772 triệu USD rau, quả, tăng gần 300% so với cùng kỳ năm trước. Thái Lan, Trung Quốc, Myanma, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nam Phi là các thị trường cung cấp nhiều rau quả cho Việt Nam.

Trong đó, rau quả nhập từ Thái Lan chiếm tới 34,2% tổng kim ngạch nhập khẩu tương đương với 106 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau Thái Lan, Trung Quốc là nhà cung ứng rau, quả thứ hai cho Việt Nam với giá trị 83,8 triệu USD, tăng 91,55% so với cùng kỳ. Myanmar là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều thứ ba, đạt 42,1 triệu USD tăng 755,49%. Đây cũng là thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất.

Ngoài ra, so với cùng kỳ năm 2013, trong 8 tháng đầu năm 2014, Việt Nam còn nhập khẩu rau quả từ các thị trường mới như New Zealand, Nam Phi, Ấn Độ, Hàn Quốc, Israel. Giá trị kim ngạch nhập khẩu tại các nước này lần lượt đạt 6,6 triệu USD; 4,4 triệu USD; 3,1 triệu USD; 2,7 triệu USD và 1,9 triệu USD.

Trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho rằng, việc các doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang nhập khẩu nhiều rau, quả của Thái Lan hay từ Myanmar là do trong thời gian qua, có thông tin một số rau, quả nhập khẩu từ Trung Quốc có hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép mấy chục lần. Điều này ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Trong đó, Thái Lan là nơi được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bởi so với nhiều nước trong khu vực thì Thái Lan là nơi phát triển mạnh về rau quả.

Hơn nữa, với sự kiện doanh nghiệp bán lẻ Thái Lan là Tập đoàn Berli Jucker (BJC) vừa mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam vào đầu tháng 8/2014 sẽ khiến cho không chỉ riêng hàng tiêu dùng mà một lượng rau quả từ Thái Lan sẽ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam nhiều hơn trong thời gian tới đây.

Và, câu chuyện buồn của nhà nông Việt

Việc nhập khẩu rau quả của một quốc gia là điều bình thường, tuy nhiên, với Việt Nam – một đất nước có nền kinh tế nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo với hơn 70% số dân làm nông nghiệp, nhưng lại phải nhập khẩu rau quả - sản phẩm mà chính người nông dân Việt Nam có thể làm ra được.

Một thời gian dài, chúng ta đã nhập khẩu một số lượng lớn rau, quả và các loại nông sản từ Trung Quốc, để rồi người tiêu dùng lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp lo bệnh nọ, bệnh kia… do hàng nhập khẩu từ nước này thường xuyên bị phát hiện chứa nhiều loại hóa chất gây ra những hệ lụy cho sức khỏe con người.

Trong khi hàng nông sản vốn là thế mạnh của người nông dân Việt Nam. Vậy nhưng, nghịch lý nước nông nghiệp phải đi nhập khẩu hàng nông sản vẫn đang tồn tại trong nhiều năm nay.

Trong khi năm nào, người nông dân Việt Nam cũng phải chứng kiến điệp khúc "được mùa rớt giá, được giá mất mùa”. Hầu như, cứ đến vụ mùa nào, bà con nông dân cũng phải xót xa với cảnh tượng su hào, bắp cải, dưa hấu, thanh long… trồng lên rồi thu hoạch ồ ạt, chất đống, ế ẩm, đến nỗi, bà con nông dân phải vứt cho trâu, bò, lợn, gà ăn…

Lý giải vì sao rau sạch nội lại không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, trả lời báo giới mới đây, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho hay, sự nhập nhằng trong tổ chức kinh doanh và tiêu thụ khiến cho người dân chưa thực sự tin tưởng về rau sạch thực sự nên mới xảy ra tình trạng rau sạch không thể cạnh tranh được với rau thường.

Hơn nữa, ở Việt Nam, mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đã triển khai rộng rãi, song trên thị trường rau quả Việt, người tiêu dùng vẫn rất ít biết đến VietGAP.

Thông tin với báo giới, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Giao dịch của Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội cũng đã thừa nhận, thị trường rau an toàn tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang rất "loạn".

"Gần như không thể kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng rau, kể cả ở những hệ thống được coi là bảo đảm như siêu thị", bà Kim Oanh nhận định. Trong khi đó, rau quả nhập khẩu có lợi thế lớn khi thông tin, nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, khiến cho người tiêu dùng rất yên tâm và tin tưởng.

Tình trạng này đã khiến cho người trồng rau an toàn trong nước thì lo ế, còn người tiêu dùng thì cứ mỏi mắt đi tìm niềm tin vào rau sạch. Trong khi phần lớn người tiêu dùng vẫn mua rau tại các chợ xanh, chợ cóc, chợ tạm gần nơi sinh sống bởi rau vừa tươi, vừa rẻ hơn.

Có thể thấy rằng, để sản phẩm rau - củ - quả sạch phát triển, hạn chế các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường, câu chuyện không chỉ cứ khuyên người tiêu dùng phải trở thành “người thông minh”, mà rất cần sự vào cuộc quản lý - giám sát của chính quyền.

Cơ quan quản lý thị trường phải thực sự vào cuộc, trước hết là cần giám sát các điểm bán rau - củ - quả sạch và công bố thông tin hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện các qui chuẩn, qui cách về sản phẩm sạch. Thậm chí, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm đăng ký bán rau sạch nhưng lại nhập rau không rõ xuất xứ nguồn gốc.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần hỗ trợ người nông dân xây dựng nhận diện thương hiệu rau sạch rõ ràng và kiểm soát chất lượng sau khi chứng nhận. Chỉ khi lòng tin được lấy lại, người tiêu dùng không thờ ơ với rau sạch thì các nhà phân phối mới có cơ hội mở thêm các cửa hàng, thúc đẩy tiêu thụ, kích thích nông dân tăng diện tích trồng rau sạch và vì vậy người tiêu dùng cũng bớt đi lo lắng.

Điều này cũng giúp gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội, tăng thương hiệu cho rau quả Việt và hạn chế việc phải nhập khẩu quá lớn từ thị trường nước ngoài./.