Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ (ngày 29/4), Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ đã ký 5 kết luận thanh tra (thanh tra tình hình của năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014) đối với 5 doanh nghiệp sữa chiếm 90% thị trường Việt Nam, bao gồm: Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Nestle Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam và Mead Johnson Việt Nam. Sau 30 ngày thanh tra (từ ngày 10/3 - 10/4), kết quả cho thấy, các công ty đều điều chỉnh tăng giá bán các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Năm 2013, có 4 công ty tăng giá 1 lần, riêng công ty còn lại là Mead Johnson Việt Nam tăng giá đến 2 lần. Mặt hàng tăng giá thấp nhất là 2,4%, mặt hàng tăng giá cao nhất tới 30,2%.

Thanh tra cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về giá 15 triệu đồng đối với Nestle Việt Nam. Ngoải ra, cơ quan thanh tra còn phát hiện việc kê khai thiếu thuế phải nộp ngân sách nhà nước đối với 4 doanh nghiệp, gồm có: Vinamilk, Dinh dưỡng 3A, Friesland Campina Việt Nam và Mead Johnson Việt Nam. Tổng số thuế yêu cầu truy thu và nộp ngân sách là 10,2 tỷ đồng. Thứ trưởng Mai cho biết cũng đang xem xét xử lý các quy định đối với số tiền phải trả phí bản quyền và các khoản thu hộ, chi hộ đối với công ty Nestle Việt Nam.

Cơ quan thanh tra cũng đã yêu cầu 5 doanh nghiệp sữa chiếm thị phần lớn này phải chấn chỉnh ngay việc chấp hành pháp luật về giá, thực hiện nghiêm túc các quy định về kê khai giá các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các công ty được yêu cầu rà soát lại giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo phù hợp với chi phí và lợi nhuận của sản phẩm này. Để làm điều này thì một trong những biện pháp là phải thực hiện ngay việc tiết kiệm chi phí kinh doanh qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị. Qua thanh tra cho thấy, những chi phí này đã vượt mức khống chế 10% so với chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp, tổng số 4/5 công ty với số tiền là 386 tỷ đồng.

Thứ trưởng Mai cho biết, căn cứ vào kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ (văn bản trình số 250, ngày 28/4/2014) cho phép áp dụng các biện pháp bình ổn giá tại điều 17 của Luật Giá. Trong phiên Họp chính phủ ngày 29/4, các bộ, ngành cũng rất đồng tình và Thủ tướng Chính phủ kết luận đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Tài chính. Cụ thể:

- Căn cứ tại khoản 4 điều 17 sẽ thực hiện biện pháp đăng ký giá với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian đăng ký là 6 tháng.

- Căn cứ khoản 7 điều 17, thực hiện biện pháp quy định giá tối đa đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, thời gian áp giá trần này là 12 tháng.

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên lưu ý cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để doanh nghiệp, người buôn bán cũng phải biết mà chia sẻ việc này, thu lợi nhuận với mức vừa phải. Quan điểm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là thống nhất quản lý sữa chặt chẽ hơn bằng cách quy định giá trần và bán sữa phải niêm yết thời giá. Khi làm việc này, Chính phủ cũng cân nhắc xem có hợp pháp không? Nhiều nước, kể cả Mỹ, Malaysia, Thái Lan, cũng đã có cách quản lý của họ và nói chung là không thả lỏng.

Trả lời câu hỏi khi nào thì sẽ áp dụng đề xuất để bình ổn giá sữa, Bộ trường Vũ Thị Mai khẳng định, sau khi có nghị quyết phiên họp của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan triển khai ngay, khẩn trương và quyết liệt giải pháp bình ổn giá, không chậm chễ./.