Theo phân tích của hãng thông tấn AFP (Pháp) phân tích, là thị trường có hơn 90 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người tăng ấn tượng từ mức 402 USD/người vào năm 2000, lên mức 1.896 USD/người vào năm 2013 (theo số liệu thống kê của Bloomberg), Việt Nam đang “lọt vào tầm ngắm” của các thương hiệu Mỹ. Đó cũng chính là lý do then chốt để McDonald’s lựa chọn Việt Nam sau một thời gian dài có phần không mặn mà với các dự án mới ở Đông Nam Á.

Bloomberg cũng dẫn lời ông Ralf Matthaes, Giám đốc điều hành khu vực Mekong của hãng nghiên cứu TNS Vietnam, phân tích: McDonald’s sẽ tập trung vào các gia đình có thu nhập trung bình từ 500 - 1.000 USD mỗi tháng. Trẻ em sẽ là đối tượng khách hàng được ưu tiên số 1.

Ngay từ giữa năm 2013, McDonald’s đã rầm rộ công bố dự án “đổ bộ” vào TP. Hồ Chí Minh. Là “người đến sau”, McDonal’s chắc chắn phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt cùng hàng loạt các thương hiệu đồ ăn nhanh: KFC, Lotteria, Burger King, Subway, Jollibee, Pizza Hut, Domino’s Pizza… đang có chỗ đứng khá tốt ở Việt Nam.

Tuy nhiên, McDonald’s lại có thể lợi thế hơn khi thói quen ăn uống sử dụng đồ ăn nhanh đã được định hình trong một bộ phận người Việt trẻ. Đây là lợi thế không hề nhỏ mà các đối thủ như KFC không thể có được khi đặt chân đến Việt Nam cách đây 17 năm.

Mặc dù không công bố kế hoạch sẽ mở bao nhiêu cửa hàng tại Việt Nam trong thời gian tới nhưng ông Nguyễn Bảo Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Goog Day Hospitality (đơn vị được cấp phép phát triển thương hiệu McDonald’s tại Việt Nam) - cho biết ông hy vọng trong tương lai cũng sẽ có mạng lưới cửa hàng McDonald’s phủ rộng trên toàn quốc tương tự như nhiều nước khác (Singapore có hơn 100 cửa hàng, Philippines 400 cửa hàng; dù đó là những nước có dân số ít hơn Việt Nam).

Trong ngày đầu tiên mở cửa (8/2), McDonald Việt Nam đã thu hút được hàng ngàn người đến mua hàng. Hiện tượng này cho thấy sức hấp dẫn của nhãn hiệu này đối với người tiêu dùng Việt Nam./.