Việt Nam nằm trong những nước ít công khai ngân sách nhất

Bất ngờ khi Việt Nam ở top ít công khai nhất

Theo báo cáo của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP), Xếp hạng chỉ số công khai ngân sách (OBI) của Việt Nam ở trụ cột thứ nhất về công khai ngân sách ghi được 15 điểm xếp hạng/100, giảm 3 điểm so với lần khảo sát trước đó.

Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình toàn cầu là 42/100 điểm (giảm 2 điểm so với vòng đánh giá năm 2015).

Xếp hạng chỉ số OBI, Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5- nhóm ít công khai nhất (đạt từ 0 – 20 điểm xếp hạng/100) gồm 27 nước được coi là ít hoặc không công khai thông tin ngân sách.

So với khu vực, Việt Nam chỉ đứng trên Myanmar. Còn các nước khác như Philippines hay Indonesia đều đat mức điểm cao, lần lượt là 67/100 và 64/100, được xếp hạng tốt “Đầy đủ”.

Ở trụ cột thứ 2 về sự tham gia của công chúng, Việt Nam ghi được 7 điểm xếp hạng/100, trong khu mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Xếp hạng thấp ở trụ cột này có nghĩa là các cơ quan lập pháp, hành pháp và kiểm toán tạo rất ít cơ hội và chưa có cơ chế để cho công chúng tham gia vào các quá trình ngân sách.

Ở trụ cột thứ 3 về giám sát, Việt Nam ghi được 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan kiểm toán. Cụ thể, giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là “đầy đủ” và trong quá trình thực thi ngân sách là “hạn chế”.

Phát biểu tại Hội thảo, bà Đinh Mai Anh (Vụ Ngân sách – Bộ Tài chính) chia sẻ rằng, bà bất ngờ về chỉ số sự tham gia của người dân chỉ đạt kết quả 7/100 điểm, trong khi nhóm dự liệu là phải đạt 12 điểm.

Bà Mai Anh chia sẻ, Bộ Tài chính đã rất nỗ lực lấy ý kiến của người dân mỗi khi chuẩn bị thay đổi chính sách hay xây dựng dự toán ngân sách qua nhiều kênh: các tổ chức xã hội, các hiệp hội, hội đồng nhân dân, website của các cơ quan. Bộ Tài chính có một bộ phận chuyên trách tiếp nhận phản hồi của người dân.

Giải thích thêm về việc công bố báo cáo dành cho công dân muộn, bà Mai Anh cho biết, đặc thù của Việt Nam là hai kỳ họp trong năm của Quốc hội họp vào tháng 5 và tháng 10. Tại các kỳ họp này đều có báo cáo ngân sách nhưng như thế không theo đúng thông lệ của OBI.

“Một đặc thù của năm 2016 là nửa đầu năm tình hình kinh tế rất khó khăn, thu chi ngân sách cũng rất khó khăn và tình hình này được phản ánh ở báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 10. Nhưng những tháng cuối năm tình hình tốt lên rất nhiều thu ngân sách cũng tốt hơn”, bà Mai Anh cung cấp thêm thông tin.

Xét ở thang điểm 100 cho 3 trụ cột chính: gồm công khai ngân sách; sự tham gia của công chúng và giám sát, Việt Nam đều đạt điểm rất thấp.

Cụ thể, về chỉ số công khai ngân sách, đạt 15 điểm (giảm 3 điểm so với năm 2015) trong khi mức trung bình toàn cầu là 43 điểm và được xếp vào nhóm thứ 5 – Nhóm ít công khai nhất gồm 27 nước.

Về sự tham gia của công chúng đạt 7 điểm, mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Về giám sát đạt 72 điểm. Tuy nhiên ở trụ cột này, Việt Nam có điểm tốt ở khâu giám sát của Quôc hội và cơ quan kiểm toán, tức là giám sát quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ. Còn giám sát trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế.

Thông tin ngân sách tỉnh cũng khó tìm, khó kiểm chứng

Cũng theo POBI 2017, Kết quả xếp hạng công khai ngân sách tỉnh POBI 2017 cho thấy một sự mù mờ về việc công khai ngân sách. Thông tin chủ yếu được tìm thấy trên cổng thông tin điện tử của Sở Tài chính. Một số website mặc dù được thiết kế có đầy đủ các mục công khai ngân sách như dự thảo, dự toán, quyết toán nhưng lại không có thông tin nào được đăng tải.

Nhiều website không hiển thị nội dung thông tin ngày đăng tải nên không thể kiểm chứng được chính xác thời gian đăng tải có đúng so với quy định hay không?

Ngay như về tình hình thực hiện ngân scsh nhà nước 2017, chỉ có 25 tỉnh công khai, 11 tỉnh công bố đủ các chỉ tiêu theo quy định, và chỉ có 21 tỉnh công khai đúng hạn, 38 tỉnh không công khai hoặc công khai nội bộ…

“Tôi thấy có lỗi vì không biết giám sát được gì cả”

Phát biểu tại Hội thảo công bố OBI hôm 29/3/2018, với tư cách là chuyên gia kinh tế cao cấp TS. Lê Đăng Doanh nói rằng : “là một người dân, tôi thấy có lỗi vì không giám sát được gì cả, dù tôi có vào website của Bộ Tài chính, tôi thấy những thông tin vĩ mô rất lớn không chi tiết, nên không giúp ích cho người dân giám sát gì cả”.

Bởi, theo vị chuyên gia này, thì các số liệu ngân sách được công khai không chi tiết, thì không giúp người dân phát hiện được ngân sách sử dụng đúng hay sai, ai làm sai, nơi nào vượt dự toán, ở đâu có lãng phí…?

“Tóm lại với những số liệu được công khai như thế này thì có công khai nhưng chưa minh bạch”, TS. Doanh thẳng thắn.

PGS,TS.Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) chỉ ra thực trạng, “công khai kiểu để trong bụi rậm”, cơ quan có trách nhiệm công khai ngân sách có đăng trên website nhưng lại ở những thư mục khuất nên rất khó tìm, có nơi có đăng nhưng muốn đọc phải có quyền truy cập, đòi mật khẩu truy cập, có công khai nhưng không đầy đủ thông tin…

Soi lại 6 tiêu chí công khai theo chuẩn OBI bao gồm : tính sẵn có, tính đầy đủ, tính kịp thời, tính dễ hiểu, tính so sánh và tính chính xác, thì thấy, nhiều địa phương không công khai ngân sách hoặc có công khai nhưng chậm công bố thông tin; công bố nhưng không cụ thể, kiểu như chi có số liệu chi đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu nhưng không rõ chi cho những gì? Hoặc có số liệu nhưng không thuyết minh khiến phần lớn người đọc không hiểu.

Hơn nữa, cách đưa thông tin của một số nơi không có giá trị so sánh, ví dụ như có số liệu chi đầu tư xây dựng năm sau, không có số liệu cùng mục của năm trước nên không so sánh được…

Đáp lại vấn đề TS.Doanh nêu, đại diện Vụ Ngân sách Bộ Tài chính giải thích Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai tổng ngân sách nhà nước, các chi tiêu cụ thể thuộc về trách nhiệm của các bộ ngành của các địa phương. Nhưng một thực tế là các bộ ngành và địa phương chưa làm tốt trách nhiệm công khai ngân sách tới người dân.

Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về minh bạch ngân sách

Ông Joel Friedman, nghiên cứu viên cao cấp của tổ chức Đối tác Ngân sách Quốc tế (IBP) bình luận “Tình trạng thiếu minh bạch ngân sách của nhiều quốc gia đặt ra thách thức trong việc thực hiện các cam kết quốc tế như cam kết về mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia trong đầu tư tài chính quốc tế và cuộc sống của người dân.

“Việt Nam có triển vọng ghi được 60 điểm xếp hạng về minh bạch ngân sách sau khi áp dụng Luật Ngân sách 2015, bao gồm việc công khai bản dự thảo dự toán ngân sách. Đặc biệt, Việt Nam đã đạt được xếp hạng trên chuẩn về giám sát ngân sách, nhưng vẫn còn thấp trong xếp hạng về sự tham gia là cần có cơ chế và cơ hội cho người dân tham gia. Việt Nam có thể tốt hơn nữa khi có các cơ chế đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn với người dân”.

PGS, TS. Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh, chi tiêu ngân sách địa phương chiếm hơn 50% chi tiêu ngân sách cả nước. Vì thế, công khai ngân sách địa phương sẽ thúc đẩy sự minh bạch, giải trình trong quản lý ngân sách công nhằm thực thi tốt hơn luật NSNN, góp phần gia tăng mức độ công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình ở cấp cao hơn (trung ương) và cấp thấp hơn (huyện, xã), tạo niềm tin của công chúng đối với việc quản lý ngân sách nhà nước tại địa phương và tạo động lực cạnh tranh giữa các tỉnh nhằm thu hút đầu tư.

Nhưng, ở phía ngược lại, một đại diện Hội đồng nhân dân cấp xã ở Quảng Trị cho biết: chúng tôi không biết phải làm thế nào để bà con biết, bà con quan tâm, ấp xã không có website, cấp huyện thì huyện có huyện không vậy công khai thế nào, niêm yết ở trụ sở ủy ban nhân dân, người dân không đọc.

PGS,TS. Vũ Sỹ Cường đưa thông điệp mỗi người dân hãy quan tâm tới ngân sách nhiều hơn vì “mỗi đồng ngân sách đểu là tiền của người dân của chính mình”./.