Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại buổi làm việc với đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ do đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ dẫn đầu chiều 6/4/2018.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc

Lĩnh vực tài chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 TTHC

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đánh giá Bộ Tài chính đã đảm bảo công tác thu chi ngân sách 2017 đạt kết quả tốt. Thu ngân sách quý 1 năm 2018 cũng đạt 23,4% dự toán. Chi ngân sách được điều hành triệt để theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, chặt chẽ hơn. Công tác kiểm soát chi, đặc biệt là kiểm soát nợ công, đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn bền vững. Vào đầu nhiệm kỳ nợ công ở mức trên 65%, nhưng đến cuối năm 2017 giảm còn 61%, kết quả đó có sự đóng góp rất lớn của ngành Tài chính.

Trong công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về ban hành văn bản hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành với 182 văn bản quy phạm pháp luật với 2 luật, 1 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, 131 thông tư…

Riêng 3 tháng đầu năm Bộ Tài chính đã có hơn 40 văn bản hoàn thành, 9 nghị định, 29 thông tư.

“So với các bộ, ngành thì Bộ Tài chính đóng góp số lượng văn bản lớn nhất”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá.

Bộ Tài chính là bộ đi đầu trong công tác cải cách với 1.072 thủ tục đã được cải cách.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Tài chính cho biết, từ 01/1/2017 đến 31/3/2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành 1.340 nhiệm vụ trên tổng số 1.567 nhiệm vụ được giao. Còn 227 nhiệm vụ chưa hoàn thành trong đó có 213 nhiệm vụ trong thời hạn (chỉ có 14 nhiệm vụ quá hạn, chiếm chưa đến 0,01% tổng số nhiệm vụ được giao).

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thành, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 11 luật; 03 nghị quyết là các giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 05 nghị quyết; Trình Chính phủ ban hành 117 nghị định; Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 46 quyết định; Ban hành theo thẩm quyền 900 thông tư, thông tư liên tịch.

Kết quả liên quan đến cải cách thủ tục hành chính đạt được trong giai đoạn 2011-2015 đã rà soát cắt giảm 248 thủ tục hành chính (TTHC) và đơn giản hóa đối với 962 TTHC; Từ năm 2016 đến nay đã rà soát cắt giảm 174 TTHC và đơn giản hóa 898 TTHC. Đến nay, lĩnh vực tài chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 TTHC còn lại 960 TTHC.

Tại buổi làm việc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội doanh nghiệp cũng kiến nghị hàng loạt vấn đề với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, với nhiều vấn đề, Bộ Tài chính đã tích cực lắng nghe doanh nghiệp và ngay lập tức có ý kiến, nhưng các bộ liên quan lại chưa kịp thời trong việc xử lý.

Sẽ cắt giảm bớt các đơn vị tại các huyện.

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và đảm bảo đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Tài chính đã để nghị bãi bỏ 99 điều kiện kinh doanh trên tổng số 370 điều kiện ban đầu; Đề nghị bãi bỏ 89 điều kiện.

Như vậy, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh đề nghị cắt giảm và đơn giản hoá là 188 điều kiện (đạt 50,8%).

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, ngành Tài chính cần phải rà soát và thực hiện cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Bộ trưởng báo cáo thêm về 3 nội dung. Theo đó, Bộ sẽ tích cực hơn trong tham gia các hội nghị mang tính chất chiến lược tầm quốc gia do Thủ tướng chủ trì, nhất là các hội nghị về đổi mới, cổ phần hóa, sắp xếp các doanh nghiệp; về phát triển thị trường tài chính; về cơ chế một cửa quốc gia…

Cùng với đó, Bộ cũng sẽ phối hợp tốt hơn với các bộ, ngành khác. “Các loại phí dù Bộ Tài chính ban hành như trên cơ sở ý kiến của các bộ khác, mà một số bộ vẫn “ôm” các loại phí”, Bộ trưởng cho biết.

Về việc xây dựng, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả, Bộ đã làm một bước dài nhưng sẽ đẩy mạnh hơn thời gian tới. Bộ trưởng cho biết về bộ máy của thuế, hải quan, kho bạc, Bộ đã họp nhiều lần và trong tuần tới sẽ quyết định.

“Cục Hải quan tỉnh Điện Biên hiện đang phụ trách 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La nhưng năm ngoái chỉ thu có 16 tỷ tiền thuế, có nên đưa thành chi cục không? Hay 713 chi cục thuế sẽ hướng tới cắt bỏ một nửa. Với ngành kho bạc, sẽ giữ các kho bạc cấp huyện, nhưng bỏ các phòng giao dịch của kho bạc cấp tỉnh. Trong điều kiện đang hiện đại hóa thuế, hải quan, điện tử hóa, chúng tôi đã nhận thức rất rõ vấn đề này”, Bộ trưởng cho biết.

Công tác rà soát để cắt giảm điều kiện kinh doanh đã được thực hiện nhiều vòng và qua đó đã cắt giảm được nhiều thủ tục, điều kiện. Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát và cắt giảm thêm các điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp./.