Những động thái M&A trong nửa đầu năm 2018

Nửa đầu năm 2018, nhiều tín hiệu cho thấy, hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang được “hâm nóng” trở lại.

Đầu tiên phải kể đến những động thái của VPBank. Tại Đại hội đồng cổ đông vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 19/3/2018, VPBank đã công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 27.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 15.000 tỷ đồng hiện tại.

Lý giải một trong lý do ngân hàng muốn tăng mạnh vốn điều lệ, theo lãnh đạo ngân hàng này là để “chuẩn bị cho các kế hoạch M&A và nhiều kế hoạch khác”.

Cũng tương tự như VPBank, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông ngày 28/3/2018, LienVietPostBank cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu phương án tăng vốn và hoạt động M&A. LienVietPostBank đặt ra mục tiêu rõ ràng là tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.

Cũng trong năm 2018, M&A cũng là một trong những chiến lược được MBBank xác định trong năm nay. Cụ thể, ngày 29/3/2018, ngân hàng này đã xin ý kiến các cổ đông ủy quyền cho HĐQT thông qua việc tìm kiếm, triển khai các cơ hội sáp nhập nếu phù hợp với chiến lược của MBBank và chủ trương Nhà nước về tái cơ cấu.

Các tổ chức tín dụng nằm trong mục tiêu M&A của những ngân hàng này có thể là Dong A Bank, GPBank hay Ocean Bank, những ngân hàng đều nằm trong diện tái cơ cấu.

Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 4/2018, HDBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã ký hợp tác chiến lược. Trong văn bản hợp tác, HDBank cũng nhấn mạnh nội dung sáp nhập Ngân hàng Xăng dầu - PGBank vào HDBank.

M&A ngân hàng được “hâm nóng”, nhưng chưa thể "sôi động" trong năm 2018

Trên thực tế, các hoạt động M&A trong lĩnh vực ngân hàng tỏ ra khá trầm lắng trong 2 năm 2016-2017, có chăng cũng chỉ là sự điều chỉnh chiến lược của các ngân hàng ngoại dẫn tới các thương vụ M&A giữa các ngân hàng ngoại với nhau. Điển hình như trường hợp Shinhan Bank mua mảng bán lẻ của ANZ Việt Nam.

Phát biểu trên báo Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng, nguyên nhân chính khiến thị trường M&A trầm lắng là do trong nước thiếu vắng những nhà đầu tư nội có tiềm lực tài chính. Theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại không được vay tiền để mua cổ phần của ngân hàng khác như giai đoạn trước.

Tuy nhiên thời điểm này đã khác. Hầu hết các ngân hàng có kế hoạch M&A hiện tại đều có tiềm lực lớn mạnh hơn các năm trước rất nhiều. Hơn nữa, sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại tới việc nắm cổ phần của các ngân hàng trong nước cũng là cơ hội để các ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu và tăng vốn.

Đã vậy, các ngân hàng đang có những điều kiện thuận lợi để thực hiện hoạt động M&A. Một trong những điều kiện thuận lợi ấy chính là các cơ chế, chính sách được Quốc hội, Chính phủ ban hành gần đây.

Trong đó, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một minh chứng.

Nghị quyết 42 ra đời kèm theo những cơ chế xử lý tài sản bảo đảm sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia vào quá trình tái cơ cấu. Lý do đơn giản là trước đây nếu mua lại một tổ chức tín dụng đang có những khoản nợ xấu kếch xù thì cũng sẽ rất khó để xử lý những khoản nợ đó. Còn bây giờ khi mua lại tổ chức tín dụng, thì “lối thoát” cho những khoản nợ xấu đó cũng đã có.

Bên cạnh đó, M&A là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước các sức ép của cơ quan quản lý nhà nước.

Trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VnEconomy, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, do Ngân hàng Nhà nước sẽ ngày càng nâng cao chuẩn mực hoạt động (ví dụ Basle 2), các tỷ lệ thanh khoản và bảo đảm an toàn vốn, nên các ngân hàng nhỏ hoặc hoạt động kém hiệu quả sẽ cần phải sáp nhập với các ngân hàng lớn để có thể tồn tại được.

“Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm số lượng các ngân hàng nội và tăng quy mô sức mạnh của các ngân hàng nội để có thể cạnh tranh được trong khu vực”, ông Hải nói.

Tuy nhiên, để thúc đẩy hoạt động M&A ngân hàng, ông Hải cho rằng, Nhà nước phải ban hành những chính sách cụ thể, bài bản và có khả năng kiểm soát được rủi ro. Đặc biệt, cần lưu ý tới các quy định liên quan tới tính công khai, minh bạch trên thị trường ngân hàng.

Nếu không làm được điều này, thì khó thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động M&A.

Trong bối cảnh chính sách chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài như hiện nay, khả năng, đến hết năm 2018, thị trường M&A ngân hàng chưa thể trở lên sôi động ngay.

Sau năm 2018, dự báo, làn sóng M&A ngân hàng có thể sẽ sôi động hơn, khi nợ xấu ngân hàng phần nào được xử lý, cùng với việc thay đổi chính sách, nhằm tăng tính công khai, minh bạch của thị trường tài chính, ngân hàng Việt Nam./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://vneconomy.vn/ma-ngan-hang-dang-co-su-chuyen-dich-20180416234015337.htm

http://vietnamfinance.vn/lienvietpostbank-nham-den-hoat-dong-ma-tham-gia-tai-co-cau-cac-tctd-20180327083738096.htm

http://bnews.vn/dai-hoi-co-dong-vpbank-2018-nhieu-noi-dung-quan-trong-duoc-trinh-toi-co-dong/79180.html

http://cafef.vn/dhcd-ngan-hang-quan-doi-muon-tang-von-len-21600-ty-ty-le-co-tuc-va-co-phieu-thuong-du-kien-25-20180329080656963.chn

https://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/hdbank-se-nhan-sap-nhap-pgbank-3739868.html

http://enternews.vn/m-a-nganh-ngan-hang-se-noi-song-126893.html