TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được vay lại 100% vốn ODA

Nghị định nêu rõ điều kiện được vay lại đối với UBND cấp tỉnh, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo quy định tại Điều 36 Luật Quản lý nợ công.

Cụ thể, Nghị định quy định, địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 70% trở lên, tỷ lệ cho vay lại là 30% vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương từ 50% đến dưới 70%, tỷ lệ cho vay lại là 40%.

Các địa phương có tỷ lệ bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương so với tổng chi cân đối ngân sách địa phương dưới 50%, tỷ lệ cho vay lại là 50%.

Những địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương (trừ TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh), tỷ lệ cho vay lại là 70%.

Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, thì tỷ lệ cho vay lại là 100%.

Nghị định quy định, Bộ trưởng Bộ Tài chính công bố tỷ lệ cho vay lại vốn vay ODA, vốn ưu đãi cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương áp dụng cho từng thời kỳ ổn định ngân sách trước ngày 1/1 năm đầu tiên của thời kỳ ổn định ngân sách.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ được vay lại 100% vốn vay ODA

Nghị định nêu rõ, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư, tỷ lệ vay lại là 100% vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ kinh phí thường xuyên và một phần kinh phí đầu tư thì tỷ lệ vay lại là 50%.

Nghị định cũng quy định, doanh nghiệp đủ điều kiện vay lại toàn bộ vốn vay ODA, vay ưu đãi sử dụng cho dự án đầu tư, nhưng không vượt quá 70% tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lãi suất cho vay lại được quy định tại khoản 5 Điều 34 của Luật Quản lý nợ công bao gồm lãi suất Chính phủ vay nước ngoài, các khoản phí theo quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài, phí quản lý cho vay lại và dự phòng rủi ro cho vay lại.

Bên vay lại chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay lại đúng mục đích, có hiệu quả theo các quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, văn kiện dự án được phê duyệt, hợp đồng cho vay lại đã ký kết.

Bên vay lại thực hiện trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo hợp đồng vay lại cho Bộ Tài chính (trường hợp cho vay lại UBND cấp tỉnh) hoặc cho cơ quan được ủy quyền cho vay lại để các cơ quan này hoàn trả đầy đủ, đúng hạn khoản thu hồi nợ vào Quỹ Tích lũy trả nợ.

Thời gian khoanh nợ không quá 5 năm

Nghị định nêu rõ, trường hợp bên vay lại gặp khó khăn tạm thời do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng do thiên tai, địch họa, thay đổi chính sách, bối cảnh kinh tế trực tiếp có ảnh hưởng bất lợi đến dự án, dẫn đến dự án đầu tư bị chậm tiến độ, chưa đạt đủ doanh thu dự kiến để trả nợ, sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng không trả được nợ đúng hạn:

- Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định việc gia hạn thời gian trả nợ, thời gian ân hạn đối với khoản vay lại, nhưng không vượt quá thời gian trả nợ, thời gian ân hạn của khoản vay nước ngoài;

- Thủ tướng Chính phủ quyết định gia hạn thời gian trả nợ, thời gian ân hạn đối với khoản vay lại vượt quá thời gian trả nợ, thời gian ân hạn của khoản vay nước ngoài.

Nghị định nêu rõ, việc xem xét, quyết định thời gian gia hạn, thời gian trả nợ, thời gian ân hạn được thực hiện căn cứ đề nghị của bên vay lại, cơ quan chủ quản của bên vay lại, báo cáo thẩm định khả năng trả nợ theo phương án gia hạn thời gian trả nợ, thời gian ân hạn của cơ quan được ủy quyền cho vay lại.

Việc khoanh nợ đối với khoản vay lại của đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp được xem xét trong những trường hợp Bên vay lại gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng do thiên tai, địch họa, thay đổi chính sách, bối cảnh kinh tế trực tiếp ảnh hưởng bất lợi đến dự án dẫn đến bị lỗ từ 03 năm liên tiếp trở lên tính đến sát thời điểm đề nghị xử lý nợ không trả được nợ cho các chủ nợ khác, gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn lưu động để hoạt động và để thực hiện các nghĩa vụ với người lao động, đã áp dụng các biện pháp khắc phục, nhưng vẫn không có khả năng trả nợ, có đề án cơ cấu lại tài chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư phê duyệt.

Nghị định quy định, tời gian khoanh nợ không quá 5 năm.

Trong thời gian khoanh nợ, bên vay lại được miễn trừ các khoản lãi, phí phát sinh đối với các nghĩa vụ nợ được khoanh.

Việc xóa một phần các nghĩa vụ nợ, bao gồm: lãi, lãi phạt chậm trả, một phần gốc đối với khoản vay lại được xem xét trong những trường hợp Bên vay lại là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, gặp khó khăn kéo dài do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng do thiên tai, địch họa, thay đổi chính sách, bối cảnh kinh tế trực tiếp ảnh hưởng bất lợi đến dự án, dẫn đến bị lỗ từ 05 năm liên tiếp trở lên tính đến sát thời điểm đề nghị xử lý nợ, không trả được nợ cho các chủ nợ khác, gặp khó khăn trong đảm bảo nguồn vốn lưu động để hoạt động và để thực hiện các nghĩa vụ với người lao động, đã áp dụng các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không có khả năng trả nợ, được ít nhất 1 chủ nợ khác đồng ý về nguyên tắc cơ cấu lại khoản nợ; có đề án tái cơ cấu tài chính của bên vay lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư phê duyệt.

Trường hợp bên vay lại là doanh nghiệp bị giải thể, phá sản theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, việc thu hồi nợ được thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản.

Đối với phần nợ không có khả năng thu hồi sau khi thực hiện theo quy trình nêu tại khoản 1 Điều này (nếu có), Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xóa nợ.

--------------------------------------------

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 1993 đến ngày 31/12/2017, cả nước có khoảng 2.591 chương trình, dự án vay vốn ODA, vay vốn ưu đãi. Trong đó, các bộ, ngành có khoảng 1.279 dự án, chương trình; các địa phương có khoảng 1197 dự án, còn lại là của các ngân hàng, Đài truyền hình Việt Nam…

Bộ Giao thông Vận tải dẫn đầu với khoảng 288 dự án, tại Bộ Công Thương có 152 dự án, chương trình vay vốn ODA. Các bộ còn lại như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 272 dự án và chương trình; Bộ Y tế có 132 dự án và chương trình; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 51 dự án, chương trình…

Việt Nam bắt đầu vay vốn viện trợ từ các định chế tài chính đa phương và song phương từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nước Nhật Bản, Pháp, Đan Mạch, Canada... từ năm 1993.

Tuy nhiên, đến tháng 7/2017 Ngân hàng Thế giới tuyên bố chấm dứt ODA ưu đãi cho Việt Nam, thay vào đó các khoản vay sau này là các khoản vay ưu đãi với mức lãi suất cao hơn./.