Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán.

Hình minh họa/ Ảnh: Internet

Phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế

Trong đó, Nghị định quy định rõ việc phát hành trái phiếu chính phủ trên thị trường vốn quốc tế.

Cụ thể, Nghị định nêu rõ, căn cứ kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, dự toán ngân sách hàng năm, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, tình hình thị trường tài chính quốc tế, Bộ Tài chính xây dựng Đề án phát hành trái phiếu quốc tế trình Chính phủ phê duyệt chủ trương phát hành.

Chính phủ ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở đề án phát hành trái phiếu quốc tế.

Đồng thời, căn cứ chủ trương phát hành trái phiếu quốc tế được Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phát hành trái phiếu quốc tế cho từng lần phát hành.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức liên quan tổ chức phát hành trái phiếu theo chủ trương được Chính phủ phê duyệt và quyết định của Thủ tướng Chính phủ đối với từng lần phát hành.

Căn cứ tình hình thực tế và các quy định pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính tổ chức phát hành trái phiếu theo một số bước cơ bản sau:

Bước 1: Lựa chọn các tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành là một hoặc một số tổ chức tài chính, ngân hàng đầu tư quốc tế, có kinh nghiệm để quản lý cho đợt phát hành;

Bước 2: Lựa chọn các tư vấn pháp lý có kinh nghiệm trong và ngoài nước làm tư vấn pháp lý trong nước, tư vấ pháp lý quốc tế cho Bộ Tài chính và tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành;

Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ phát hành: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với tư vấn pháp lý trong nước, tư vấn pháp lý quốc tế và các cơ quan liên quan chuẩn bị các hồ sơ phát hành phù hợp với luật pháp của Việt Nam và luật pháp quốc tế, thông lệ quốc tế tại thị trường phát hành;

Bước 4: Đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nghiệm để xác nhận hệ số tín nchiệm quốc gia và mức xếp hạng tín nhiệm đối với trái phiếu dự kiến phát hành;

Bước 5: Tổ chức quảng bá: Việc tổ chức quảng bá chào bán trái phiếu quốc tế được thực hiện theo yêu cầu của từng phương thức phát hành. Bộ Tài chính phối hợp với tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành tổ chức quảng bá trái phiếu quốc tế để tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế trước khi công bố rộng rãi, chính thức về việc phát hành trái phiếu quốc tế;

Bước 6: Tổ chức phát hành: Bộ Tài chính quyết định các điều kiện, điều khoản phát hành trái phiếu quốc tế trên cơ sở tham khảo ý kiến tư vấn của tổ chức hoặc tổ hợp quản lý phát hành, phù hợp với điều kiện thị trường và các nguyên tắc nêu tại đề án phát hành trái phiếu quốc tế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lãi suất đối với từng đợt phát hành trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính quyết định trong khung do Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 31 của Nghị định này;

Bước 7: Tiếp nhận vốn: Bộ Tài chính tổ chức tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế đã phát hành theo đúng các thỏa thuận đã ký;

Bước 8: Hoàn tất giao dịch phát hành: Sau khi nhận tiền bán trái phiếu quốc tế, Bộ Tài chính hoàn tất và ký kết các văn bản pháp lý kết thúc giao dịch phù hợp với luật pháp tại thị trường phát hành; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả phát hành.

Ngân sách bị thiếu hụt tạm thời, có thể phát hành tín phiếu kho bạc

Trường hợp ngân sách trung ương thiếu hụt tạm thời, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng đề án phát hành tín phiếu kho bạc trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ quyết định

. Đề án phát hành bao gồm các nội dung cơ bản sau: mục đích phát hành; khối lượng, kỳ hạn, hình thức tín phiếu; mệnh giá tín phiếu; lãi suất phát hành, thời điểm phát hành dự kiến; phương thức và nguồn thanh toán tín phiếu khi đáo hạn; đăng ký, lưu ký và niêm yết, giao dịch tín phiếu (nếu có).

Lãi suất tín phiếu Kho bạc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất thỏa thuận giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trên cơ sở tham khảo lãi suất đấu thầu phát hành tín phiếu kho bạc hoặc lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc lãi suất giao dịch trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại tương đương tại thời điểm gần nhất.

Tín phiếu Kho bạc có kỳ hạn chuẩn là 13 tuần, 26 tuần hoặc 52 tuần. Các kỳ hạn khác của tín phiếu kho bạc do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tùy theo nhu cầu sử dụng vốn và tình hình thị trường nhưng không vượt quá 52 tuần.

Tín phiếu kho bạc được phát hành theo phương thức đấu thầu qua Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hoặc phát hành trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trường hợp phát hành trực tiếp tín phiếu kho bạc cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính thống nhất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với từng đợt phát hành.

Lần đầu tiên đề cập tới trái phiếu xanh

Trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn chuẩn là 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và 50 năm.

b) Các kỳ hạn khác của trái phiếu Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định trong từng thời kỳ.

Trái phiếu chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc có kỳ hạn chuẩn là 2 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm, 30 năm và các kỳ hạn khác theo thông báo của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong từng thời kỳ.

Lần đầu tiên, Nghị định của Chính phủ đã đề cập đến một loại hình trái phiếu mới, đó là trái phiếu xanh.

Đây là một loại trái phiếu chính phủ được phát hành để đầu tư cho các dự án liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường (dự án xanh) và nằm trong danh mục dự án được phân bổ vốn đầu tư công theo quy định của Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án phát hành trái phiếu Chính phủ xanh báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

Trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng Tổ quốc được phát hành theo các phương thức: Đấu thầu phát hành; bảo lãnh phát hành; phát hành riêng lẻ (bán lẻ).