Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-NHNN, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định của thông tư, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo lộ trình:

Từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 31/12/2018, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng tỷ lệ 45%; tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 90%.

Từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ áp dụng với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm xuống còn 40%; áp dụng với tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn giữ ở mức 90%.

Như vậy, Thông tư này không hề thay đổi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các tổ chứ tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đó là từ ngày 1/1/2019 giảm xuống còn 40% thay vì 45% như hiện tại.

Bên cạnh đó, Thông tư 16 bổ sung tỷ giá để tính toán các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn; cách tỷ lệ dự trữ thanh khoản; tài sản có tính thanh khoản cao và tổng Nợ phải trả được tính theo đồng Việt Nam; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tính toán và duy trì tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày đối với đồng Việt Nam; tỷ giá quy đổi các loại ngoại tệ khác sang USD do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định...

Thông tư 16 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/7/2018; bãi bỏ khoản 15, khoản 16, khoản 17 và khoản 22 Điều 1 Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN.

TS. Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung Ương cho rằng, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện rõ tư tưởng của cơ quan điều hành là hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro về thời hạn.

Nhìn rộng ra nữa là hệ thống ngân hàng đang nỗ lực cải tổ tái cấu trúc theo chuẩn mực thông lệ quốc tế và gắn với thời điểm cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, tạo ra sự đa dạng của kênh huy động vốn trung, dài hạn đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của nền kinh tế.

Tuy nhiên, do biến động thị trường tài chính trong thời gian qua cả trong nước và quốc tế là khá lớn, Ngân hàng Nhà nước tính toán lại thời điểm để trong quá trình điều chỉnh không gây ra những cú sốc cho thị trường, có thể tạo ra những điểm nghẽn vốn.

Chính vì vậy, trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, trong đó giãn tiến độ giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ từ giúp cho thị trường vận hành uyển chuyển trơn tru hơn.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ lệ này ở mức 45% vào năm 2018 và đến năm 2019 mới chính thức áp dụng tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 40%. Sự điều chỉnh này đã hạn chế xáo trộn đối với cân đối vốn của các tổ chức tín dụng trong thời gian qua. Đồng thời, giúp các ngân hàng có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn khi đáp ứng quy định trên.

Thời điểm này, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là phù hợp sau khi các ngân hàng đã có thêm thời gian để chuẩn bị, nhất là khi hệ thống ngân hàng đang bước vào giai đoạn tái cơ cấu mới với đòi hỏi cao hơn, một số thị trường "ngốn" vốn dài hạn nhiều đang có dấu hiệu cần phải quan tâm để hạn chế rủi ro, TS. Võ Trí Thành cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước "thiết quân luật" kỷ cương thị trường, nhất là các chỉ số an toàn hoạt động của ngân hàng cần phải đảm bảo ở mức cao nhất có thể là cần thiết.

“Đứng về mặt chính sách, nếu lùi lại tiến trình cải cách này có thể khiến thị trường nhờn thuốc. Do đó, cần phải làm kiên quyết, triệt để”, TS. Thành nói.

Nhìn trên tổng thể, vị chuyên gia này cho rằng, Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước phần nào tạo áp lực hơn đối với sự phát triển thị trường vốn, nhưng không còn cách nào khác.

Bởi, để phát triển thị trường này đòi hỏi hội tụ nhiều yếu tố, ở nhiều cạnh và có thể nói là còn rất gian nan.

Cụ thể, các yếu tố đó bao gồm các khâu từ cơ sở hạ tầng đến khâu thanh toán, hệ thống đánh giá mức độ tín nhiệm… Đó là về thị trường trái phiếu chính phủ. Còn thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn hơn do mức độ uy tín, minh bạch hóa còn thấp…

Hiện tại, chỉ có kênh huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tuy chưa được như kỳ vọng, nhưng cũng đã có bước chuyển biến, hỗ trợ tích cực hơn cho hệ thống ngân hàng. Nhưng, sự phát triển thị trường này vẫn chưa thực sự bền vững do yếu tố đầu cơ vẫn còn cao.

Theo TS. Thành, việc vẫn cho phép tổ chức tín dụng sử dụng tới 40% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tức là nền kinh tế vẫn có thể sử dụng lượng vốn trung dài hạn tương đối lớn.

“Vấn đề quan trọng là chúng ta hạn chế rủi ro. Nếu không giám sát tốt để sai lệch kỳ hạn cao rủi ro rất lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng châu Á đó là sai lệch về cơ cấu thời hạn. Vì vậy, cần phải cảnh giác để không bị rơi vào tình thế khó”, TS. Thành lưu ý./.