Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại phiên chất vấn/ Ảnh: Quochoi.vn

“Chúng ta ưu tiên rất cao cho vùng núi cũng như đồng bào dân tộc”

Tại phiên chất vấn về chính sách dân tộc ngày 13/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều nguồn lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Trước hết, về công tác dân tộc ít người, dân tộc thiểu số thì Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện ở chỗ các chính sách của chúng ta ban hành nhiều. Giai đoạn năm 2011 - 2015 chúng ta có tất cả 181 chính sách, thể hiện ở 264 văn bản. Đến giai đoạn 2016 - 2020 chúng ta đã kết thúc một số, trừ đi số kết thúc và cộng với số ban hành mới thì hiện nay có 116 chính sách, đang nằm ở 173 văn bản.

Nguồn lực thứ hai là nguồn lực của ngân sách. Bộ trưởng Dũng cho biết, trong giai đoạn 2016-2020 bố trí gần 200.000 tỷ, chiếm 59% cho 53 tỉnh có đồng bào dân tộc, tăng gấp 2,28 lần so với giai đoạn 2011-2015. Về ODA cũng tăng rất nhanh ở khu vực này, hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Giải trình thêm về số vốn phân bổ cho đồng bào dân tộc thiểu số, ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, có 4 nhóm chính sách được phân ra. Nhóm thứ nhất là chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp cho dân tộc thiểu số, bao gồm: chính sách hỗ trợ về giáo dục, về y tế, hỗ trợ tiếp cận văn hóa và hỗ trợ điều kiện sản xuất sinh hoạt.

Nhóm thứ hai là chế độ chính sách trên phạm vi cả nước nhưng ưu tiên phân bổ cho đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ điều kiện sản xuất sinh hoạt, tiếp cận y tế, văn hóa, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất và cơ sở hạ tầng.

Nhóm thứ ba là hỗ trợ gián tiếp cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhóm thứ tư là chế độ chính sách hỗ trợ trực tiếp đồng bào dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, để hỗ trợ nghèo đa chiều, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số Chính phủ ra Nghị quyết 71 đưa ra một số chính sách về y tế, giáo dục, đến nay trong 2 năm ngân sách giai đoạn 2016 -2020 và 2 năm ổn định ngân sách là 2017 và 2018.

Riêng ngân sách chi thường xuyên và thử nghiệm theo các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số đã đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, trong 2 năm 2017 -2018 ngân sách bố trí 187 ngàn tỷ đồng hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm 2017 là năm ổn định ngân sách dự toán chi thường xuyên bao gồm vùng dân tộc thiểu số và miền núi được xác định theo tiêu chí dân số và chia thành 4 vùng, vùng đô thị, vùng đồng bằng, vùng núi, đồng bào dân tộc vùng đồng bằng, vùng sâu, vùng cao, hải đảo.

Tổng chi thường xuyên phân bổ theo dân số liên quan đến dân tộc thiểu số của năm 2017 khoảng 84.000 tỷ đồng, chiếm khoản 17,17% tổng chi thường xuyên của ngân sách địa phương năm 2017. Trong đó, kinh phí bố trí để thực hiện một số chế độ chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số khoảng trên 5.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, hỗ trợ cho các địa phương kinh phí thường xuyên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia là trên 6.000 tỷ đồng.

“Như vậy, năm 2017 chúng ta đã bố trí riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số các chính sách liên quan đến chi thường xuyên là 91.000, tương tự như vậy năm 2018 là 96.000”, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết.

Song, số hộ dân tộc thiểu số nghèo lại đang chiếm 52,66% cả nước

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 4 lần bình quân chung cả nước. Thiên tai, dịch bệnh, thiếu việc làm, đói nghèo, lạc hậu vẫn còn là thách thức lớn.

“Chúng tôi báo cáo thêm là thu nhập bình quân không phải bằng 1/3 mà thu nhập bình quân chúng tôi tính ra chỉ 7 - 8 triệu đồng/1 người/1 năm đối với nhiều nhóm dân tộc và nhiều vùng, miền. Như vậy, so với bình quân chung của cả nước là 37 triệu thì chỉ bằng 1/5”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cung cấp thêm thông tin.

Theo ông Chiến, số hộ nghèo cả nước cuối năm 2017 là 1.642.000 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo là 864.931 hộ, chiếm 52,66%.

“Đây là một vấn đề thách thức đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tại sao chúng ta đầu tư nhiều như thế, kết quả đạt được rất tích cực như thế nhưng vẫn còn những tồn tại, hạn chế như vậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặt vấn đề.

Cho rằng, đã không có kế sinh nhai, không có công ăn việc làm thì không thể nào xóa đói giảm nghèo được, Bộ trưởng chỉ rõ: “vượt lên trên mức 7-8 triệu thu nhập bình quân đầu người là một thách thức rất lớn”.

Bởi, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sinh sống của đồng bào toàn ở những vùng điều kiện rất khó khăn, thực tế là không có đất sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông thì rất thiếu và yếu.

“Chúng ta đầu tư một dự án nước sạch rất tốn tiền, 40-50 tỷ cho dự án cấp nước sạch ở cấp huyện, nhưng chỉ phục vụ được cho một số người, rất ít nên hiệu quả kinh tế không tương xứng. Chúng ta kéo một đường điện cho một xã, một thôn tốn rất nhiều tiền, từ đỉnh núi này sang đồi kia các hộ sống rất phân tán, nhu cầu sử dụng của đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp nên hiệu quả không cao. Đầu tư lớn nhưng cải thiện rất chậm và rất khó, do điều kiện tự nhiên và do tập quán sinh hoạt của đồng bào. Chúng ta chịu tác động rất nhiều bởi thời tiết và thiên tai, dịch bệnh”, Bộ trưởng Dũng lý giải.

Cần quy hoạch lại điểm dân cư để đầu tư

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ rõ, một số trường hợp đồng bào dân tộc còn có tư tưởng ỷ lại.

“Tôi đã ở Ninh Thuận một thời gian dài, đồng bào dân tộc có người nói là không lo chết đói, thế nào trung ương cũng phải lo. Bản thân người ta không nỗ lực, có một số ít thôi nhưng có hiện tượng đó”, Bộ trưởng nói.

Vì thế, theo Bộ trưởng Dũng, chính sách của chúng ta phải thiết kế thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, từng đồng bào dân tộc thì mới đi vào cuộc sống được.

“Chúng ta cứ rải mành mành tiếp cận mà không đi vào thực chất của vấn đề thì vấn đề này chúng ta sẽ nêu mãi, nêu mãi ở nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác. Chúng tôi cho rằng vấn đề ở đây chúng ta phải hướng xử lý tập trung vào giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tức là phải quan tâm đến vấn đề y tế, giáo dục đầu tiên, vấn đề tuyên truyền, vấn đề thiết chế văn hóa và không được để cho người dân đói, rét. Còn việc chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ để phát triển sản xuất, để có việc làm, nâng cao cuộc sống là phương thức phải cố gắng nhưng không đòi hỏi quá mức ở các vùng đồng bào dân tộc nếu chúng ta tập trung vào tăng thu nhập, tạo việc làm... Đây là một áp lực rất lớn, một thách thức, tôi nghĩ không thực tế, nếu chúng ta làm như vậy”, Bộ trưởng giải trình thêm.

Lý giải vì sao chưa phân bổ được nguồn lực cho Quyết định 2085 và 2086, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do 2 chính sách này ban hành sau khi kế hoạch đầu tư công trung hạn.

“Chúng ta phải chọn lọc lại, rà soát lại một số công trình mang tính cấp bách và mang tính quan trọng cho giai đoạn này từ nay đến 2020 để chúng ta có thể đề nghị xử lý ngay trong giai đoạn này một số công trình. Tinh thần là tất cả các nhiệm vụ này vẫn được thực hiện nhưng lồng ghép vào trong đó chứ không phải chúng ta bỏ nó đi”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị.

Thứ hai, hiện nay các công việc cụ thể đang phân tán ở các bộ, ngành khác nhau. Các cơ sở y tế là của Bộ Y tế quản lý, các vấn đề về trường học, giáo dục đào tạo thì Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, vấn đề dạy nghề thì Bộ Lao động và các vấn đề khác thì địa phương thực hiện. Nếu chúng ta xây dựng một chương trình mục tiêu quốc gia riêng giao cho Ủy ban Dân tộc làm đầu mối thì đây là vấn đề phải nghiên cứu có thiết kế theo cách chúng ta xây dựng một chương trình riêng hay để riêng cho các bộ, ngành và địa phương thực hiện.

“Chúng tôi cho rằng trước hết phải tổng kết, đánh giá các chính sách chúng ta đang làm, rà soát, tập hợp lại xem bất cập hiện nay của các cơ chế, chính sách là gì, theo đó chúng ta sẽ nghiên cứu để xây dựng một chương trình riêng hay vẫn để như hiện nay. Tôi thấy cần nghiên cứu một cách bài bản”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, sẽ cùng với Ủy ban Dân tộc rà soát lại một số công trình mang tính cấp bách để kiến nghị Chính phủ, Quốc hội cho xử lý, có thể trong dự phòng 10% trung hạn để xử lý một vài công trình mang tính cấp bách.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: “Tôi ở miền núi nên thấy việc chúng ta phải quy hoạch lại dân cư miền núi vô cùng quan trọng, kể cả chống sụt, sạt, thiên tai như hiện nay nhưng lâu nay chúng ta đang để đồng bào sống rất tự do theo tập quán. Đây cũng là yếu điểm của chúng ta quy hoạch lại điểm dân cư để đầu tư. Hiện nay chúng ta đang chạy theo điểm dân cư, đầu tư theo điểm, điểm đấy là điểm hình thành một cách cơ bản, tự nhiên nên rất khó”./.