Theo Ủy ban Dân tộc, để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 1 nghị quyết của Chính phủ, 1 nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 ban hành 1 Quyết định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 19 Quyết định; các Bộ, ngành Trung ương ban hành 2 Quyết định và 9 Thông tư, hướng dẫn. Các tỉnh, thành phố đã ban hành gần 50 chính sách đặc thù hỗ trợ địa bàn nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo phù hợp với tình hình đặc thù của từng địa phương.

Trong giai đoạn 2016 - 2018, ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững là: 21.597,557 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 52,1% tổng nhu cầu vốn giai đoạn 2016-2020 (trong đó vốn đầu tư phát triển là 14.906,146 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 6.691,411 tỷ đồng).

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), trong đó: bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg ngày 2.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ nghèo giảm 5% trở lên như Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu...

Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn 6,7%

Tỷ lệ hộ nghèo các vùng cụ thể là: khu vực miền núi Đông Bắc còn khoảng 14,87% (giảm 2,85%); miền núi Tây Bắc là 28,01%(giảm 3,23%); đồng bằng sông Hồng là 2,44% (giảm 0,78%); Bắc Trung Bộ là 8,39% (giảm 1,96%); duyên hải miền Trung là 8,20% (giảm 2,14%); Tây Nguyên là 12,86% (giảm 2,41%); Đông Nam Bộ là 0,78% (giảm 0,26%); đồng bằng sông Cửu Long là 6,08% (giảm 1,89%).

Tại một cuộc họp khác cùng ngày, đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong 2 năm 2017 -2018, mặc dù ngân sách Nhà nước còn khó khăn nhưng mức cân đối hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách giảm nghèo là khá lớn khoảng gần 340.000 tỷ đồng (bình quân khoảng 170.000 tỷ dồng/năm), chiếm 11.7% tổng chi ngân sách Nhà nước.

Còn đại diện của Ngân hàng Nhà nước cbáo cáo, tính đến ngày 30/6/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng so với năm 2017, với hơn 6,7 triệu hộ còn dư nợ. Trong năm 2018, dự kiến sẽ có trên 2.200 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho trên 216 nghìn lao động, tren 5,3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp cho trên 46 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng cho gần 36 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo…/.