Trong bài phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đặt câu hỏi: "Hai, ba năm nữa Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường mới nổi không?".

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khai mạc Diễn đàn chuyên đề Vốn – Tài chính

Trả lời câu hỏi này, tại phiên thảo luận thứ hai “Giải pháp mở rộng vốn dài hạn cho Việt Nam", ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, với cách xếp hạng dựa vào định lượng và định tính thì điều này rất khó nói.

“Thay vì thế, chúng ta nên đặt vấn đề là bao giờ chúng ta xứng đáng, điều này phụ thuộc nhiều vào chính sách của Chính phủ, tiềm năng thị trường...”, ông Dũng gợi mở.

Bởi, theo ông Dũng, việc nâng hạng thị trường không thể hiện qua chứng khoán mà phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam, chính sách vĩ mô.

Với sự quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là việc tạo môi trường đầu tư bình đẳng cả trong và ngoài nước, ông Dũng tin rằng chúng ta sẽ sớm được đưa vào danh sách các thị trường mới nổi.

“Nếu chúng ta kỳ vọng vào năm 2019 thì không tưởng, nhưng hai năm thì có thể làm được”, ông Dũng đưa ra dự báo.

Nhắc lại quyết tâm Việt Nam có thể được thừa nhận là thị trường chứng khoán mới nổi trong 2 năm tới của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, cần kiên trì xây dựng thị trường chứng khoán bền vững, lành mạnh. Chính phủ sẽ chỉ đạo và ban hành chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán để có thể tái cơ cấu mạnh mẽ.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, theo ông Vương Đình Huệ, ngoài các đơn vị xếp hạng tín nhiệm cần có trung tâm chứng khoán doanh nghiệp đưa vào giao dịch bình thường để tạo thanh khoản. Hiện Chính phủ ban hành Quyết định 1191/QĐ-TTg và chỉ đạo Bộ Tài chính thực hiện, thời gian tới sẽ sửa đổi trong đó có Nghị định 90/2011/NĐ-CP phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

"Thông điệp của Chính phủ là kiên quyết để Việt Nam sớm được công nhận thị trường chứng khoán mới nổi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, theo báo cáo Tài chính tiền tệ tháng 3/2018 của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), tính tới hết quý I/2018, quy mô thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng và đạt 191 tỷ USD, tương đương 95% GDP năm 2016, tăng 24,7% so với cuối năm 2017.

Quy mô này gần bằng vốn hóa của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE (quy mô TTCK khoảng 245 tỷ USD), Philippines (quy mô TTCK khoảng 270 tỷ USD) và vượt qua nhiều thị trường mới nổi khác như Qatar (131 tỷ USD), Pakistan (82 tỷ USD), và Ai Cập (58 tỷ USD).

Thanh khoản thị trường cũng tăng mạnh đạt mức bình quân 8.800 tỷ đồng/phiên trong quý I/2018, tăng 80% so với mức trung bình năm 2017.

heo ước tính của SSI, ở thời điểm hiện tại đã có 5 cổ phiếu thỏa mãn các điều kiện yêu cầu của MSCI (Morgan Stanley Capital International) và có thể được thêm vào bộ chỉ số Emerging Markets Indexes (chỉ số dành cho Thị trường mới nổi của MSCI) trong trường hợp Việt Nam được nâng hạng.

Xa hơn, có thêm 09 cổ phiếu có thể thỏa mãn các điều kiện này trong tương lai. Các cổ phiếu này đều có giá trị vốn hóa cao trên 2 tỷ USD và có mức thanh khoản tốt, nhưng chưa đạt yêu cầu về giá trị vốn hóa tự do chuyển nhượng do tỷ lệ free-float thấp.

Trong tương lai, với các kế hoạch thoái vốn nhà nước được đẩy mạnh thực thi và khả năng nới room nước ngoài ở một số cổ phiếu gần kín room, 09 cổ phiếu này sẽ là những lựa chọn tiềm năng để MSCI đưa vào danh mục các chỉ số EM indexes.

Về cơ bản, Việt Nam đã thỏa mãn các điều kiện định lượng liên quan tới Quy mô thị trường và Quy mô giao dịch đối với việc nâng hạng thị trường chứng khoán.

Các điều kiện định tính là những rào cản cuối cùng để MSCI cũng như các tổ chức phân loại thị trường khác như FTSE và S&P cân nhắc khả năng nâng hạng đối với TTCK Việt Nam.

Trong đó, nền tảng công nghệ và cơ sở hạ tầng dần được cải thiện với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý thị trường.

Sự ra mắt thị trường phái sinh đã cung cấp cho nhà đầu tư công cụ cần thiết để phòng ngừa rủi ro. Hoạt động công bố thông tin bằng tiếng Anh không phải trở ngại lớn nhưng cần thực hiện sớm để tạo sự bình đẳng với nhà đầu tư nước ngoài.

Quá trình nới room ngoại và thoái vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp niêm yết cần đẩy nhanh để gia tăng hơn nữa quy mô đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việc duy trì ổn định các cân đối vĩ mô đang được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tốt, giúp tạo niềm tin cho cộng đồng đầu tư quốc tế.

Quan trọng hơn, thị trường ngoại hối cần được tổ chức linh hoạt hơn để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển dòng vốn của nhà đầu tư ra vào lãnh thổ Việt Nam.

Ở kịch bản thuận lợi nhất, Việt Nam có thể được MSCI nâng hạng lên Emerging Markets (Thị trường mới nổi) vào năm 2020, trước đó cần ít nhất 01 năm để MSCI xin ý kiến tư vấn đánh giá từ cộng đồng đầu tư quốc tế, và thêm 01 năm để các quỹ đầu tư chuẩn bị cho các thay đổi và tái cơ cấu các danh mục đầu tư.

Theo lịch định kỳ, tháng 6 tới đây sẽ là thời điểm MSCI công bố kết quả đánh giá phân loại thị trường hàng năm và chuẩn bị danh sách các thị trường cần tư vấn đánh giá cho kỳ tiếp theo./.