Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Ngày 21/06/2017 Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, với mục tiêu pháp điển hoá những quy định cụ thể về xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng, nâng cao vai trò, năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Bên cạnh đó, Nghị quyết hướng tới xử lý các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tạo cơ chế đồng bộ, khả thi, tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm các khoản nợ xấu của TCTD; Các TCTD tiếp tục phát huy tốt vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo và đáp ứng nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế.

Ngày 19/07/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Những kết quả đạt được

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực, quyết liệt của ngành Ngân hàng và sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sau một năm thực hiện, Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả bước đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi thực hiện cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD.

Quá trình đi vào thực tiễn tuy chưa dài, nhưng những định hướng chính sách vĩ mô, giải pháp tháo gỡ trong 02 văn bản quy phạm trên đã tạo ra những dấu ấn rõ nét và chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 -2020.

Báo cáo sơ kết 01 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, để triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại các Tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ trình và được Quốc hội thông qua Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD 2010. Đồng thời, để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 08 thông tư; tham mưu, trình Chính phủ ban hành 01 Quyết định và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của VAMC cho phù hợp với quy định và thực tiễn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan có liên quan rà soát những khó khăn, vướng mắc, bất cập, xung đột pháp lý giữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành Ngân hàng với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, thúc đẩy các tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án 1058. Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát.

Ngân hàng Nhà nước kịp thời có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ.

Trải qua 01 năm triển khai áp dụng vào thực tiễn, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Đề án cơ cấu lại ban hành theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30/6/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống ước đạt 519,01 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2017, tăng 6,3% so với cuối năm 2016. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống ước đạt 720,43 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2017, tăng 21,1% so với cuối năm 2016.

Chất lượng tín dụng được cải thiện, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 6/2018 tỷ lệ nợ xấu so với so với tổng nợ là 2,09%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%).

Đến 30/6/2018, hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 138,29 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỷ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,59%).

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC, cho biết đơn vị này đã thí điểm ký kết với 6 TCTD có nợ xấu bán cho VAMC và tổ chức phân loại trên 26.000 khoản nợ xấu đã mua và quản lý với dư nợ trên 10 tỷ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng và phương án xử lý phù hợp.

Ông Đông cho biết, tính đến 15/8, VAMC đã thu hồi gần 100.000 tỷ đồng trên 227.000 tỷ đồng nợ gốc mà công ty đã mua và đang quản lý. Trong đó, từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực tốc độ xử lý nợ xấu đã tăng lên rõ rệt.

Những khó khăn, vướng mắc

Mặc dù công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, theo Ngân hàng Nhà nước, việc thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu còn hạn chế do chưa có thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp dẫn đến việc mua bán nợ xấu chưa thật sự sôi động, các thương vụ lớn chưa phát sinh nhiều.

Việc triển khai Nghị quyết 42 trong thực tiễn còn gặp nhiều bất cập, như: Việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế; Công tác giữ gìn, đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ TSBĐ của các khoản nợ xấu; xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản còn dở dang; Quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ mà các cá nhân, tổ chức mua lại từ VAMC…

Bên cạnh đó là cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm chưa đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng nên các tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong việc xác định tài sản bảo đảm nào đang tranh chấp, tài sản bảo đảm nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau gây khó khăn khi áp dụng các biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

Năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 tại Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến của Thống đốc NHNN về sự kiện tổng kết lần này. Chính phủ, Thủ tướng và cá nhân Phó Thủ tướng cũng rất quan tâm đến nội dung tái cơ cấu ngân hàng.

Phó Thủ tướng cho biết hiện nay nợ xấu vẫn còn cao, việc xử lý nợ xấu một cách thực chất vẫn còn khó khăn. Tuy nhiên, hệ thống tổ chức tín dụng cơ bản giữ được an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ.

Phó Thủ tướng đánh giá, Nghị quyết 42 và Luật TCTD sửa đổi đã có ý nghĩa lịch sử với ngành ngân hàng trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tư duy tầm nhìn của Trung ương, của Quốc hội, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, có sự phối hợp giữa các ban ngành với nhau, giữa trung ương với địa phương, của ngành ngân hàng.

"Trong các hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu lĩnh vực ngân hàng đã có kết quả rõ rệt" - Phó Thủ tướng nói.

Về tổ chức triển khai Nghị quyết 42 và Luật TCTD sửa đổi và các đề án, ngoài các thuận lợi thì còn có những khó khăn như kinh tế khu vực, đồng USD lên cao, lãi suất thế giới cao, chiến tranh thương mại. Trong khi đó quy mô nền kinh tế vẫn còn nhỏ, trong năm nay dự kiến vào khoảng 250 tỷ USD, nên thế giới có vấn đề gì là có thể tác động ngay. Tuy nhiên với sự nỗ lực của toàn hệ thống thì hoạt động tái cơ cấu đã có những kết quả hết sức căn bản, tạo tiền đề cho giai đoạn tới.

Về nợ xấu nội bảng hiện chỉ còn 2,09%, đã giảm đáng kể kể từ khi thực hiện Nghị quyết 42. Đặc biệt, xử lý nợ xấu đã thực chất hơn, vai trò của các tổ chức tín dụng đã rõ hơn, nhiều ngân hàng đã xử lý hết nợ xấu bán cho VAMC như VietinBank, Vietcombank...

Ngành ngân hàng đã đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô và điều này được thế giới công nhận, chẳng hạn vừa qua 12 ngân hàng đã được Moody's nâng hạng tín nhiệm, đó là điều hết sức quan trọng thể hiện đánh giá khách quan về thành quả của ngành ngân hàng.

Nhìn nhận thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết bên cạnh những thành tích ngành ngân hàng đạt được thì còn có hạn chế và các nhiệm vụ phải làm một cách rất nỗ lực, không được để mất đà.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, tiếp tục đà này không để quá trình này chậm lại.

Phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu, áp dụng basel II ở các ngân hàng…Đặc biệt đến 2020 phải đưa nợ xấu cả nội bảng và ngoại bảng xuống dưới 3% theo thông lệ quốc tế. Hoạt động xử lý nợ xấu phải không được để nợ xấu mới phát sinh.

Về củng cố và xử lý các tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục đề án đã đề ra, đặc biệt trong đó có tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân; rà soát lại, tái cơ cấu các công ty tài chính.

Với VAMC, cần có lộ trình tăng vốn cho công ty này; cần có tính toán để cho VAMC được bán nợ theo cơ chế thị trường...

Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước bằng việc sử dụng nguồn chia cổ tức và các giải pháp cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm nội bộ, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng cho biết cần phát triển theo kế hoạch gia tăng tỷ trọng dịch vụ trong tổng doanh thu chứ không nên dựa hoàn toàn vào tín dụng. Hai là phải tính toán giữa số liệu với chất lượng tín dụng./.