Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, số thu NSNN từ hoạt động xuất - nhập khẩu từ ngày 01/8-29/8/2018 đạt 24.788 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 29/8/2018 của toàn Ngành thu đạt: 198.715 tỷ đồng, bằng 70,2% dự toán thu NSNN năm 2018, bằng 67,8 % so với chỉ tiêu phấn đấu, tăng 4,89% so với cùng kỳ 2017.

Hoạt động nghiệp vụ hải quan tại Chi cục Hải quan Thái Nguyên, Cục Hải quan Bắc Ninh/ Ảnh: baohaiquan.vn

Số thu tăng là do một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu lớn tăng hơn so với tháng trước. Đơn cử một số mặt hàng xuất khẩu như: Điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,9%; Hàng dệt may tăng 1%; Máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 3,6%; Hàng thủy sản tăng 4,5%; Dầu thô tăng 4%... so với tháng trước.

Đối với hàng nhập khẩu, trong tháng 8 một số mặt hàng cũng tăng so với tháng trước như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 9,3%; Vải các loại tăng 2,2%; Điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 35,3%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 4,1% về lượng và tăng 3,2% về trị giá… trong tháng 8 năm 2018, tổng trị giá xuất - nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 41,9 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 20,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 21 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, ước 8 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất – nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 308,07 tỷ USD, tăng tới 13% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 155,41 tỷ USD, tăng 14,5% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 152,66 tỷ USD, tăng 11,6%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8/2018 ước tính thâm hụt ở mức 100 triệu USD, bằng 0,5% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2018, cả nước thặng dư hơn 2,75 tỷ USD

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, tính từ 16/07/2018 đến 15/08/2018, cơ quan này đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ tổng 1.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 152 tỷ 84 triệu đồng; số thu ngân sách đạt 18 tỷ 483 triệu đồng, cơ quan Hải quan ban hành 09 quyết định khởi tố vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 05 vụ.

Trong công tác quản lý phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp như: ban hành văn bản số 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố về quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam.

Ngày 03/8/2018, Tổng cục Hải quan đã cử đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng về các nội dung: tình hình triển khai Công văn 4202/TCHQ-PC ngày 17/7/2018 về quản lý phế liệu nhập khẩu; kiểm tra việc khai báo, phân tích manifest, thực hiện thủ tục nhập cảnh cho phương tiện vận tải…; kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan trực tiếp tại Chi cục Hải quan cửa khẩu đang thực hiện thủ tục nhập khẩu các lô hàng là phế liệu như giám sát, kiểm tra, lấy mẫu, chụp ảnh, niêm phong, lập biên bản lấy mẫu, phiếu ghi kết quả thực tế…;

Đồng thời cập nhật lên trang Cổng thông tin điện tử danh sách 151 doanh nghiệp đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất còn hiệu lực để hải quan địa phương biết, tra cứu khi làm thủ tục hải quan; chỉ đạo cơ quan kiểm định tập trung nguồn lực và đến nay đã đảm bảo thời gian kiểm tra phế liệu nhập khẩu theo quy định; phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) – Bộ Công an thành lập các kế hoạch điều tra, xác minh, xử lý vi phạm đối với một số doanh nghiệp trọng điểm đã đủ căn cứ khởi tố vụ án và đang tiếp tục củng cố chứng cứ để khởi tố bị can như Công ty TNHH sản xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt, Doanh nghiệp tư nhân sản xuất bao bì Trường Thịnh. Tổ chức tiêu hủy, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho các cảng biển./.