Thống đốc Lê Minh Hưng đã giải trình lý do việc áp dụng trần lãi suất như một biện pháp hành chính

Sẽ bỏ “trần” lãi suất khi hệ thống tín dụng hoạt động đã tốt hơn

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, về tinh thần, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn đồng thuận với quan điểm của đại biểu về việc hướng tới một nền kinh tế thị trường cần phải hạn chế áp dụng các biện pháp hành chính.

Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, từ năm 2011 khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi đã ảnh hưởng khá mạnh đến ổn định an toàn về kinh tế vĩ mô và tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng, cho nên Ngân hàng nhà nước đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với đồng Việt Nam cho các kỳ hạn.

Trên cơ sở tình hình đã phục hồi từng bước, hoạt động thị trường cũng thông suốt hơn, thời gian vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã tiến hành dỡ bỏ các quy định này, hiện nay, chỉ còn áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi đồng Việt Nam với kỳ hạn dưới 6 tháng.

Theo Thống đốc, việc áp dụng trần lãi suất cũng có những cơ sở thực tiễn.

Bởi, hiện nay, số lượng tổ chức tín dụng cũng tương đối nhiều, chất lượng của các tổ chức tín dụng cũng chưa phải đồng đều.

Chính vì vậy, trần lãi suất huy động dưới 6 tháng được duy trì, ấn định ở mức hợp lý và bám sát cung cầu thị trường, cũng có tác dụng giữ ổn định hoạt động thị trường tiền tệ và tâm lý kỳ vọng về lạm phát.

“Hiện nay chúng ta vẫn đang trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, cho nên việc duy trì trần lãi suất cũng là để hỗ trợ, ổn định thị trường tiền tệ”, Thống đốc lý giải.

Với tình hình thực hiện và kết quả hoạt động cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng thì việc áp dụng trần lãi suất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

“Nhưng, khi hệ thống tín dụng hoạt động đã tốt hơn, an toàn lành mạnh hơn thì Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục xem xét để dỡ bỏ những biện pháp không cần thiết”, Thống đốc cho hay.

Xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả khá tích cực

Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu về xử lý ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu, Thống đốc thừa nhận, tiến trình chậm, vì trên cơ sở chủ trương của Chính phủ thì Ngân hàng nhà nước hiện nay đang phải tiến hành để định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư.

Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các phương án cụ thể để tham gia của các nhà đầu tư vào xử lý các ngân hàng này cần thời gian và phải trên cơ sở cam kết của các nhà đầu tư và định hướng của Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này.

Liên quan đến tình hình triển khai Nghị quyết 42, về xử lý nợ xấu, Thống đốc cho biết, đã đạt được những kết quả khá tích cực.

Trong vòng hơn một năm các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu đạt khoảng 140.000 tỷ đồng. Riêng công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng số đã mua.

Số liệu nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi báo cáo Quốc hội cuối năm 2016 là 10,08%. Đến cuối năm 2017, số liệu tổng thể các khoản nợ xấu khoảng 7,7%. Đến tháng 6 năm 2018 đã đưa số liệu nợ xấu, tổng thể các khoản nợ xấu khoảng 6,7%. Nợ xấu nội bảng là 2,09%.

“Nhưng quá trình vừa rồi sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương”, Thống đốc báo cáo.

Thông tư 19 được ban hành tuân thủ đầy đủ quy định của Hiến pháp và pháp luật

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Việt Thắng đoàn Bến Tre về Thông tư 19, về thanh toán ở khu vực biên mậu, Thống đốc Lê Minh Hưng tái khẳng định đã báo cáo đầy đủ và có báo cáo giải trình đầy đủ quá trình chuẩn bị các nội dung liên quan Thông tư 19 đến các cơ quan có thẩm quyền, đến Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội. “Chúng tôi khẳng định Thông tư 19 với các nội dung được ban hành tuân thủ đầy đủ quy định của hiến pháp, của pháp luật, đặc biệt là Luật Ngân hàng nhà nước và Pháp lệnh Ngoại hối”, Thống đốc nhấn mạnh.

Dẫn Hiến pháp quy định đồng tiền Việt Nam và Pháp lệnh ngoại hối cụ thể hóa là quy định trên lãnh thổ Việt Nam sử dụng đồng Việt Nam, nhưng Pháp lệnh ngoại hối cũng có những quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số các giao dịch, Thống đốc cho biết, trên thực tế, bất kỳ quốc gia nào cũng có mối quan hệ kinh tế, thương mại với các nước khác trên thế giới trong các mối quan hệ kinh tế đó, hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các vãng lai và đầu tư phải có quy định về đồng tiền thanh toán.

“Điều 26 Pháp lệnh Ngoại hối cho phép việc sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thì thực hiện theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tham gia ký kết và chúng ta đã ký kết Hiệp định Thương mại biên giới 3 nước là Trung Quốc, Lào và Campuchia, có Luật Quản lý ngoại thương. Trên cơ sở quy định như vậy, chúng ta ban hành quy định cho phép đồng tiền trong giao dịch buôn bán, thương mại, đầu tư như vậy là hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật”, Thống đốc dẫn các căn cứ luật để khẳng định tính hợp pháp của Thông tư 19./.