Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 135/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) cho các dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách.

Cụ thể, có 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách được giao vốn thực hiện

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải 7.222.000 triệu đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) giai đoạn 2016-2020 và 1.637.500 triệu đồng năm 2019 cho các dự án đường sắt và đường bộ quan trọng, cấp bách theo Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ tổng số kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và năm 2019 vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) và danh mục dự án giao Bộ Giao thông vận tải chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 vốn ngân sách trung ương (trái phiếu Chính phủ) cho từng dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan thanh tra, kiểm toán về tính chính xác của các thông tin, số liệu và mức vốn phân bổ cho các dự án.

Bộ Giao thông vận tải căn cứ danh mục dự án và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 vốn ngân sách trung ương được giao trên, thông báo cho các đơn vị để triển khai thực hiện; báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/2/2019.

Trước đó, vào tháng 08/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 556/NQ-UBTVQH14 về phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thông qua phương án sử dụng 15.000 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho 4 dự án đường sắt và 10 dự án đường bộ quan trọng, cấp bách theo danh mục tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

Cụ thể, 4 dự án đường sắt được bố trí 7.000 tỷ đồng, gồm: Dự án Cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang; Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội – Vinh; Dự án Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.

10 dự án đường bộ được bố trí 8.000 tỷ đồng, gồm: Đường nối quốc lộ 4C và 4D (Km238 - Km414); Quốc lộ 3B (Km0 - Km66+600); Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 24; Cải tạo, nâng cấp các đoạn xung yếu trên quốc lộ 25; Quốc lộ 27 đoạn tránh Liên Khương; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn, tỉnh Trà Vinh; Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 57 đoạn từ bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long; Cải tạo, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp; Nâng cấp quốc lộ 30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Trong 10 dự án này, dự án Tuyến đường bộ nối cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được bố trí vốn nhiều nhấ với 1.397 tỷ đồng./.