Đây là hội nghị thường niên, tạo cơ hội tốt để cơ quan quản lý và các thành viên thị trường cùng nhau đánh giá những thành quả đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại và cùng nhau thảo luận, thống nhất chương trình hành động để tiếp tục xây dựng TTCK phát triển hiệu lực và hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi)

Năm 2018, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu đã tăng lên 6.500 tỷ đồng/phiên

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ Tài chính cũng đã chủ động trong công tác quản lý, bình ổn giá cả thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2018 đạt mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đề ra, cũng như giữ vững vị trí tốp đầu các bộ ngành về cải cách hành chính.

Song song với những thành tựu trên, “không thể phủ nhận những đóng góp của ngành Chứng khoán đối với sự phát triển vượt bậc của ngành Tài chính cũng như nền kinh tế nước nhà trong năm qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết thêm, năm 2018 thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với năm 2017, với mức tăng 29%, từ 5.000 tỷ đồng/phiên năm 2017 lên 6.500 tỷ đồng/phiên năm 2018.

Cùng với đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết năm 2018 có sự cải thiện đáng kể so với năm trước đó về cả doanh thu (tăng 15,2%) và lợi nhuận sau thuế (tăng 21,4%).

Đặc biệt, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi NĐTNN rút ròng ở các thị trường trong khu vực, thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng nhà đầu tư thế giới với khả năng phát triển của thị trường Việt Nam.

Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt là có 1 phiên có giá trị mua ròng đạt mức kỷ lục, hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ, tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn.

Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD năm 2018 so với 2,92 tỷ USD năm 2017), thể hiện cầu đầu tư mạnh mẽ của các NĐTNN vào Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của NĐTNN năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, tương đương với giá trị cuối năm 2017 và khoảng hơn 1 tỷ USD tiền mặt.

Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.

Việc Việt Nam được bổ sung vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi loại 2 cũng là một trong những động thái hết sức tích cực góp phần thu hút lượng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam.

TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và khu vực tư nhân và được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn trong năm 2018. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK năm 2018 đạt hơn 278 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2017.

Năm 2018, hệ thống khung pháp lý và chính sách trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK tiếp tục được hoàn thiện, trong đó, đang triển khai xây dựng Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi), Đề án Thành lập Sơ Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019. Bên cạnh đó, công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng; hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm được đẩy mạnh...

Phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn

Phát biểu tại hội nghị, đồng tình với các nhận định năm 2018 là một năm vượt khó và thành công của TTCK Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra nguyên nhân là nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của các thành viên thị trường, vai trò điều phối của Chính phủ, Bộ Tài chính và Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ cam kết củng cố và tăng cường hơn nữa ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô, gia tăng sức chống chịu của các chủ thể thị trường với tầm nhìn tới năm 2045, trong đó có thị trường vốn-chứng khoán. Thứ hai, Chính phủ cam kết duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng, muốn TTCK, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đã niêm yết hay chưa niêm yết chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này.

Với TTCK, Phó Thủ tướng cho biết Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xây dựng trình Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể với tham vọng là cơ cấu lại và phát triển TTCK trước mắt tới năm 2020 và lộ trình tới năm 2025 chứ không phải “ăn đong” từng năm.

Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là Chính phủ sẽ trình Quốc hội thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi) để tạo khung khổ pháp lý cho TTCK phát triển trở thành kênh huy động vốn trung- dài hạn, tận dụng tối đa các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế, tạo ra sự phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn bền vững, chuyên nghiệp tiếp cận thông lệ quốc tế, góp phần nâng hạng thị trường. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư tích cực góp ý giúp Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện luật ở các nội dung quan trọng như bổ sung phạm vi điều chỉnh cả công cụ chứng khoán phái sinh, trái phiếu Chính phủ, thí điểm TTCK chuyên biệt cho Start-up phát triển.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra nhiệm vụ cho Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán phát triển thị trường cổ phiếu đạt quy mô 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu bằng 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết năm 2020 tăng ít nhất 12% so với 2017, nhà đầu tư đạt 3% dân số vào 2020 và 5% vào 2025 (hiện nay chỉ 2,2%).

Cơ cấu lại nhà đầu tư, cơ sở nhà đầu tư trên thị trường để tạo ra sự chuyên nghiệp. Cơ cấu lại thị trường với các giải pháp ngay trong năm nay như sớm thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo lộ trình mà Thủ tướng đã phê duyệt nhằm tiết kiệm chi phí cho nhà đầu tư, bảo đảm thông suốt, ổn định cho các hoạt động của nhà đầu tư.

Hoàn thành và đưa vào hệ thống thông tin mới, hoạt động đồng bộ tại sở chứng khoán và trung tâm lưu ký chứng khoán; nghiên cứu khả năng từng bước áp dụng chuỗi công nghệ blockchain cho một số mảng thị trường và một số công đoạn của quá trình giao dịch, thanh toán, nâng cao tính toàn vẹn, minh bạch của dữ liệu nhà đầu tư.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra các giải pháp cơ cấu lại thị trường, như: nghiên cứu áp dụng cơ chế ngắt mạch tự động trong trường hợp thị trường có biến động mạnh và quy định trong luật; nghiên cứu mô hình vay và cho vay chứng khoán trên cơ sở phù hợp với năng lực tài chính khả năng quản trị rủi ro của các tổ chức liên quan; phát triển các hệ thống nhà tạo lập thị trường ở cả thị trường sơ cấp và quốc tế; nâng cao năng lực quản lý giám sát và thực thi...

Phó Thủ tướng nhắn gửi: “Dù là doanh nghiệp đại chúng hay doanh nghiệp chưa niêm yết, hãy cùng nắm tay nhau để đi xa và về đích theo mục tiêu Chính phủ kỳ vọng về TTCK phát triển nhanh, lành mạnh, bền vững, an toàn”./.